Đó là kết luận của đại biểu Đặng Văn Khoa về nội dung trả lời của ông Đ.A.K Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường trước các câu chất vấn của các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân TP trong phiên họp toàn thể ngày 2 -7 -2008.
Khi trả lời 13 câu chất vấn, chắc là để tôn trọng người hỏi, và cũng để tiết kiệm thời gian, ông đã chọn cách trả lời bằng văn bản. Còn khi “đăng đàn”, ông chỉ khái quát một số vấn đề chung về rác thải, nước thải ô nhiễm, và dự án kinh Ba Bò.
Đặc biệt khi ông trả lời câu hỏi về thảm thực vật dọc tuyến đường 11 ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân mất màu xanh vì ô nhiễm, rằng “hiện nay cây cỏ dọc tuyến đường 11 phát triển tốt”, thì “ông hội đồng” Khoa – vẫn với phong cách “nói có sách, mách có chứng” – đã trưng ra một loạt ảnh phóng to về những thảm cỏ, cây cổ thụ mất màu xanh vì bị ô nhiễm, và còn giơ cao búi cỏ bị bạc màu (mà ông mới “chộp” tối hôm trước ở chính tuyến đường đó) để bác bỏ. Trước “vật chứng” rành rành như vậy, ông K. chỉ còn biết thanh minh : “Đây là báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh, có sự kiểm tra của cán bộ Sở Tài nguyên – Môi trường”. Rồi trước thái độ không đồng tình của nhiều đại biểu, ông buộc phải thú nhận ở mức “nhẹ nhàng”: “… Có thể chúng tôi đã quan liêu và tôi xin nhận trách nhiệm…”.*
Ông muốn trả lời khái quát, nhưng đại biểu của dân lại muốn nghe cụ thể, bởi ô nhiễm môi trường là vấn đề quá cụ thể, quá bức xúc (độc hại, hôi thối quá lâu ngày, ai mà chịu nổi!) nhưng giải đáp lại không cụ thể. Ở cương vị của ông, với trình độ buộc phải có, có lẽ ông đã quên (hay cố tình cho qua) câu nói nổi tiếng của Lênin: “Phân tích cụ thể mỗi tình hình cụ thể là bản chất và linh hồn sống của chủ nghĩa Mác.”
Nói như đại biểu Đặng Văn Khoa: “Đây là câu trả lời không đúng sự thật, là dối trá”* Khi đại biểu của dân bày tỏ nguyện vọng: “Nếu được thì ông giám đốc nói thật”(đúng ra, đại biểu của dân có quyền yêu cầu công chức hành chính phải trình bày sự thật trước nhân dân) thì có nghĩa là ông giám đốc chưa nói thật. Khi ông nói: “Hiện nay cây cỏ dọc tuyến đường 11 phát triển tốt” nhưng “ông hội đồng” Khoa lại trưng ra “vật chứng” là búi cỏ bị bạc màu, thì chỉ có thể hiểu: hoặc ông quan liêu, “cả tin” vào báo cáo của cán bộ dưới quyền, vì ỷ vào “sự kiểm tra của cán bộ TN – MT), hoặc ông không trung thực.
Có nhà xã hội học đã nhận định khái quát: một trong những “căn bệnh khó trị”, một “mảng xám khó bôi” của xã hội hôm nay là không ít người thiếu trung thực trong đối xử với nhau: người lớn nói dối trẻ con, trẻ con nói dối người lớn. Cán bộ, công chức nói dối dân và ngược lại. Và nhận định đó đã có thêm “sự kiện sống động” của ông K. trong phiên họp Hội đồng Nhân dân TP ngày 2 -7- 2008 minh họa.
Tình trạng cán bộ, công chức thiếu trung thực là không mới. Từ lâu nhân dân đã khái quát “căn bệnh” này bằng câu tổng kết: “Làm thì láo, báo cáo thì hay”. Làm sao “trị” căn bệnh trầm kha – thiếu trung thực – này? Phải có nhiều biện pháp tổng hợp, đồng bộ, có hệ thống, nhiều chiều, từ trong Đảng ra ngoài, từ trên xuống dưới (cả quan hệ dọc và quan hệ ngang) mà trong phạm vi một bài viết ngắn không thể “hiến kế”. Mong muốn nhỏ nhoi của người viết là góp thêm tiếng nói vào dư luận xã hội nhằm cảnh báo những kẻ thiếu trung thực “sẽ có khả năng tự hủy diệt chính mình” (lời cảnh báo của Warren Buffett), và cũng để lên án cái xấu, cái ác – cái đang đi ngược lại bản chất XHCN của xã hội mà chúng ta đang xây dựng.
Đối với quan chức, thiếu trung thực thường đi liền với thiếu dũng cảm nhận trách nhiệm. Ở vài xứ người, không ít tấm gương của các chính khách đầu ngành tự từ chức chỉ vì tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm (chứ không là thiếu trách nhiệm) trước việc làm sai trái của nhân viên thuộc quyền, nhưng không do bản thân người đứng đầu ngành trực tiếp chỉ đạo, mà báo chí của ta đã nhiều lần đăng tải. Không rõ ông K. có đọc những mẩu tin đó? Và nếu biết thì liệu ông có “trông người mà nghĩ đến ta”, khi ông nhận trách nhiệm như không nhận gì: “Có thể chúng tôi đã quan liêu”?! Vâng! Chỉ là “có thể” thôi, nghĩa là mới chỉ là “khả năng” chứ chưa là “hiện thực”, nghĩa là chưa chắc đã quan liêu. Ấy vậy, nhưng chính ông lại thừa nhận: “Khi khảo sát, kiểm tra về mùi hôi bãi rác Đa Phước, chúng tôi chưa xuống Nhà Bè”*. Và với “cái chưa chắc” đó, ông tiếp thêm: “…tôi xin nhận trách nhiệm”. Tới đây, người nghe không hiểu ông định nhận trách nhiệm về cái gì ? Về “cái chưa chắc” kia ư ?
Trước thực trạng công chức – “công bộc” của dân thiếu trung thực, thiếu dũng cảm nhận trách nhiệm đối với công việc được giao, thì – ngoài “kết luận” của cá nhân đại biểu Khoa – cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương (HĐNDTP) cần thiết phải rút ra kết luận gì về việc sử dụng quyền lực của mình (được nhân dân ủy thác) đối với những “công bộc” đó?
C. Dân
* Thanh Niên – Thứ năm – 3 -7 -2008
Bình luận (0)