Bộ GD-ĐT vừa công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của tất cả các môn, trong đó có môn ngữ văn.
Học sinh lớp 12 trong tiết học môn ngữ văn. Ảnh: Anh Khôi
Các giáo viên trong cả nước có thể vào trang thông tin của Bộ GD-ĐT để tham khảo định hướng thi theo chương trình 2018. Việc công bố trước hơn một năm về định hướng và cấu trúc đề thi là cần thiết và hữu ích cho giáo viên cũng như học sinh trong việc học tập và ôn luyện cho kỳ thi này. Tôi đã xem đề minh họa và yêu cầu đánh giá trong văn bản của Bộ GD-ĐT nêu lên. Nhìn chung cấu trúc đề thi môn ngữ văn mà Bộ GD-ĐT công bố đã bám sát đúng các yêu cầu về đánh giá của chương trình 2018. Vừa kế thừa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội lâu nay đã khá quen thuộc, vừa tập trung đổi mới ở phần viết nghị luận văn học nhằm khắc phục việc học thuộc và chép văn mẫu. Tôi cho rằng các thông tin ở phần yêu cầu và phạm vi đánh giá nêu ở cuối văn bản của Bộ GD-ĐT là rất quan trọng với giáo viên và học sinh; ít nhất là các điểm sau: Một, chú ý đánh giá cả nghị luận đọc hiểu và nghị luận viết. Đọc hiểu không chỉ được đánh giá ở câu kiểm tra độc lập (4 điểm) mà còn thông qua phần viết, nhất là câu nghị luận văn học. Vì để viết được đúng yêu cầu của câu nghị luận thì học sinh phải đọc hiểu trước. Hai, chú ý cả nghị luận xã hội và nghị luận văn học bằng việc quy định ngữ liệu của phần đọc hiểu: Nếu phần đọc hiểu là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin thì phần viết nghị luận xã hội chỉ 2 điểm (viết đoạn văn), nghị luận văn học 4 điểm (viết bài văn). Nếu phần đọc hiểu là văn bản nghị luận văn học hoặc văn bản văn học, thì nghị luận xã hội 4 điểm (viết bài văn), nghị luận văn học 2 điểm (viết đoạn văn). Quy định này bảo đảm được nội dung nghị luận xã hội và nghị luận văn học luôn chiếm một tỷ trọng, phù hợp, thích đáng. Ba, chú trọng cả viết đoạn và viết bài văn bằng việc có cả 2 yêu cầu trong đề thi với giới hạn đoạn khoảng 200 chữ và bài khoảng 600 chữ (nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học đều có thể yêu cầu viết đoạn hoặc viết bài tùy thuộc vào ngữ liệu phần đọc hiểu như trên đã nêu). Bốn, đặc biệt phần nghị luận văn học yêu cầu viết với ngữ liệu mới (không có trong các sách giáo khoa), đòi hỏi học sinh phải tự hiểu, tự nêu lên suy nghĩ của chính mình; không học thuộc và không chép văn mẫu được… Năm, câu đọc hiểu và nghị luận xã hội kế thừa nhưng có đổi mới về cách hỏi, số lượng câu (5 câu với tỷ lệ biết: 2; hiểu: 2; vận dụng: 1). Câu nghị luận xã hội cũng không nhất thiết liên quan đến nội dung phần đọc hiểu, cho phép tránh được những yêu cầu gượng ép từ ngữ liệu đọc hiểu. Ngoài ra còn quy định số lượng tối đa của các ngữ liệu nêu trong đề (không vượt quá 1.300 chữ) là cần thiết để phù hợp với thời gian thi, trình độ tiếp nhận của học sinh và việc trình bày đề thi…
Trước mắt xin có một số nhận xét ban đầu nêu lên để các thầy cô tham khảo. Chắc sẽ còn nhiều vấn đề cần suy nghĩ thêm và làm rõ hơn để tháo gỡ chung về vấn đề này.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)