Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cầu vượt 3 tầng xóa “điểm đen” TNGT

Tạp Chí Giáo Dục

Người tham gia giao thông không còn nơm nớp lo sợ khi có cầu vượt ngã ba Huế bắc ngang đường sắt
“Bây giờ từ Liên Chiểu xuống các quận ở vùng Đông thành phố, đi qua ngã ba Huế, không còn cảm giác nơm nớp lo sợ hiểm họa rình rập từ xe tải, xe ben, tàu hỏa nữa. Nút giao thông vào phố từ ngày có cầu vượt 3 tầng không chỉ giúp người dân giảm cảm giác lo lắng mà còn thấy hân hoan khi không phải tốn phí du lịch vẫn được ngắm cảnh quê hương trên cây cầu lộng gió”, ông Nguyễn Minh Thành, một người dân quận Liên Chiểu phấn khởi nói.
Xóa “điểm đen” TNGT
Có một thời, nhắc đến cái tên ngã ba Huế – cái ngã ba giao nhau giữa quận Liên Chiểu về các quận trung tâm và con đường quốc lộ đi Quảng Nam và các tỉnh phía Nam, người tham gia giao thông không khỏi rùng mình ớn lạnh bởi những vụ TNGT ở điểm giao đường bộ và đường sắt này. Cái tên “điểm đen” TNGT cũng có từ ngày đó. Mỗi ngày, nút giao thông này gồng mình gánh khoảng 30 lượt tàu hỏa đi qua, và khoảng gần 10 ngàn lượt ô tô, 80 ngàn lượt mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, xe đạp, người đi bộ… khiến đoạn đường này luôn trong tình trạng chật chội, ùn tắc vào các giờ cao điểm. Đã có nhiều giải pháp về phân luồng giao thông, nhưng số vụ tai nạn xảy ra ở điểm đen này vẫn không hề thuyên giảm, chiếm 30% số vụ tai nạn trên toàn thành phố. Giải pháp nào để giảm hẳn tình trạng này là câu hỏi đau đầu đặt ra cho lãnh đạo thành phố. Một cây cầu vượt 3 tầng với tổng mức đầu tư hơn 2 ngàn tỷ đồng. Được thiết kế với nút lập thể hình xuyến hoàn chỉnh kết hợp với cầu vượt gồm 3 tầng: Tầng mặt đất cho các nhánh rẽ với đường bộ không giao với đường sắt, cầu vượt tầng 1 là vòng xuyến trên cao với các nhánh rẽ, cầu vượt tầng 2 cho các hướng ưu tiên từ Huế về trung tâm thành phố và ngược lại. Chỉ trong vòng 18 tháng, công trình được hoàn tất vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng thành phố. Kể từ đây, tàu hỏa có làn đường riêng, không cần barie chặn dòng lưu thông của đường bộ. Cả ô tô, xe máy, mô tô, xe thô sơ đều có làn đường riêng để đi.
Vui nhất có lẽ là những người dân sống ven khu vực cầu. Ông Nguyễn Văn Dương cho biết: “Sống gần trọn cuộc đời bên con đường Điện Biên Phủ này, mỗi ngày nhìn cảnh dòng người đông đúc qua lại ngã ba Huế thấy cuộc sống bức bí lắm. Cứ ước, giá như con đường rộng thêm tí nữa. Mỗi khi thấy người dân tụ tập là thót tim nghĩ chắc lại có tai nạn. Bây giờ có cây cầu, không gian rộng thoáng hẳn, trong lòng thấy vui sướng lắm”. Còn ông Ngô Nhung, làm nghề vá lốp xe ở ngay đầu cầu (đoạn đường Tôn Đức Thắng) thì cho biết: “Đoạn cầu đang xây, vắng khách, thu nhập thụt hẳn làm tui lo lắng, không biết chuyển sang nghề gì. Mấy hôm nay cầu hoàn thành, lượng khách lại đông, khách quen tiếp tục tìm tới mới thấy có lúc mình ngắn nghĩ khi định bán nhà chuyển đi nơi khác”.
Điểm nhấn nơi cửa ngõ thành phố
Không chỉ gánh trọng trách giải tỏa ách tắc giao thông, nút giao thông ngã ba Huế được xây dựng nơi cửa ngõ thành phố đã mở ra cơ hội cho trục Tây Bắc của thành phố, nơi có quận Liên Chiểu với đời sống còn thấp hơn so với các quận khác có cơ hội phát triển, rút ngắn khoảng cách. Với kiến trúc độc đáo, hiệu quả chiếu sáng nghệ thuật được trang trí tôn vinh vẻ đẹp của công trình, cầu vượt ngã ba Huế được tạo nên vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn trở thành những điểm dừng chân yêu thích của du khách thập phương, cùng với các công trình giao thông khác như cầu quay, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước…
Anh Bùi Văn Nghĩa, một hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn giới thiệu cho du khách về cây cầu, vui vẻ cho biết: “Mình làm nghề hướng dẫn viên tự do được 5 năm rồi. Thông thường đi tour hướng dẫn du khách về phố cổ Hội An và các điểm đến Đà Nẵng, trong đó có các cây cầu làm nên vẻ đẹp và động lực phát triển của thành phố. Nay tour mình hướng dẫn có thêm điểm đến là cây cầu vượt ngã ba Huế nữa. Mình thấy rất tự hào khi được sống và được giới thiệu cho du khách thập phương biết về thành phố này”.
Đứng trên cầu vượt ngã ba Huế, phóng tầm mắt về phía Đông, nơi có con đường Nguyễn Tất Thành với bãi biển đẹp, xa hơn là cảng Tiên Sa với tấp nập tàu bè ra vào như thấy một quận Liên Chiểu còn nhiều khó khăn gần hơn với Hải Châu, Thanh Khê cùng một vùng bờ Đông sông Hàn đang trên đà phát triển. Nói như cựu chiến binh Nguyễn Quang Minh, một người lính từng xông pha lửa đạn trong những ngày chống Mỹ để giải phóng Đà Nẵng, rằng: “Đà Nẵng bây giờ đã thực sự trở thành một địa danh đáng sống, ít nhất là ở góc độ giao thông với những cây cầu góp phần vào sự phát triển của mảnh đất cuối sông, đầu biển này. Cảm giác từ Liên Chiểu về phố nghe xa vời vợi bây giờ đã không còn nữa. Vui nhất là mỗi hoàng hôn, có thể thoải mái tản bộ để ngắm khung cảnh làng quê của chính nơi mình sinh sống”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ông Nguyễn Thành Trung, quê Nam Định, vừa tản bộ những bước chân thong thả trên cầu, cho biết: “Ngày xưa, tui từng chiến đấu ở vùng đất này. Hòa bình, rời quân ngũ về quê, tui không thể tưởng tượng được, 40 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng lại phát triển xanh, nhanh với những công trình vừa đảm bảo giải tỏa giao thông vừa trở thành điểm đến đẹp như thế này”.
 

Bình luận (0)