Thấy việc phát gạo từ thiện tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh, Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi) sáng chế máy phát gạo tự động được mọi người gọi là cây "ATM gạo"
Sáng 7/4, ông Nguyễn Văn Mạnh (68 tuổi), làm nghề bán vé số ở quận 11, tiến lại gần tấm bảng "Điểm phát gạo tự động cho người nghèo", với tay lấy một túi nilon và rụt rè bấm nút cạnh chiếc bồn inox. Một dòng gạo trắng từ trong chiếc ống nhựa chảy ra, nằm gọn gàng trong túi. Khuôn mặt giãn ra, ông Mạnh xách túi gạo ra về, nhường chỗ cho người tiếp theo đang xếp hàng cách ông 2 mét.
"Trước giờ tôi cũng được người ta cho gạo nhưng lần đầu thấy có cái máy tự động này. Nhân viên ở đây nói, ăn hết thì tới lấy tiếp nên tui không lo thiếu gạo trong mùa dịch này nữa", người đàn ông bán vé số đang thất nghiệp vì Covid-19 nói.
Hai ngày nay, chiếc máy phát gạo tự động của Tuấn Anh, giám đốc một công ty về khóa điện tử trên đường Vườn Lài, quận Tân Phú luôn hoạt động hết công suất. Chủ nhân của chiếc máy "ATM gạo" chia sẻ, từ đầu dịch đến nay, anh thấy nhiều cá nhân, tổ chức tặng quà, gạo, mì tôm… cho người nghèo nhưng kiểu cho và nhận trực tiếp có nhiều nguy cơ lây bệnh. Cùng với đó là tình trạng người dân tập trung ở một điểm để nhận quà dễ dẫn đến việc chen lấn, xô đẩy, mất trật tự nên anh nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy phát gạo tự động.
Với hình thức hoạt động của chiếc mày phát gạo tự động này, người dân chỉ việc nhấn nút và hứng gạo. Ảnh: Diệp Phan.
Rút kinh nghiệm từ cách làm cũ và tận dụng những thiết bị có sẵn trong mảng kinh doanh khóa điện tử của mình, nên anh Tuấn Anh đã cùng ba nhân viên kỹ thuật chỉ mất một ngày để cho ra đời chiếc máy. "Tình hình khá gấp, không thể đặt hàng ở đâu nên tôi đã tháo mô-tơ trong chiếc máy thử khóa của công ty để làm ra cái máy phát gạo này", anh Tuấn Anh nói.
"ATM gạo" khá đơn giản, gồm một hệ thống chia gạo tự động, camera và nút bấm được kiểm soát thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Khi có người đứng trước camera bấm nút, van tự động sẽ mở, một lượng gạo khoảng 1,5 kg từ bồn chứa chảy xuống đường ống dẫn ra ngoài. Tuấn Anh còn đặt thêm loa để hướng dẫn người dân, một chiếc bồn để hứng gạo, hạn chế rơi vãi… Chi phí mỗi chiếc máy hơn 10 triệu đồng.
Máy phát gạo ưu điểm là việc phân loại đối tượng nhận gạo dễ dàng bởi có nhân viên điều khiển thông qua ứng dụng di động. Máy sẽ được kết nối với một ứng dụng trên điện thoại, camera nhận diện người nhận gạo, nhân viên trực có nhiệm vụ phát hiện những người lấy gạo nhiều lần. Nếu có, nhân viên sẽ nhấn nút "off" không cho gạo chảy xuống. Đồng thời bật loa nhắc nhở. Mỗi ngày, anh Tuấn Anh bố trí ba nhân viên, chia làm ba ca trực.
Dùng "ATM gạo", người cho và người nhận không tiếp xúc trực tiếp với nhau. Để giữ trật tự, anh Tuấn Anh đã cho lắp thêm camera ở xung quanh khu vực phát gạo, đánh dấu chỗ đứng của mỗi người cách xa nhau. Nước rửa tay đặt cạnh bồn hứng gạo để người dân rửa tay trước khi lấy.
Chiếc máy có thể hoạt động 24/24, tránh tập trung người nhận vào một thời điểm. Thùng chứa gạo lớn phía trên chưa được 500 kg gạo. Khi gần hết sẽ báo về ứng dụng để nhân viên bổ sung.
Người dân xếp hàng trật tự khi đến lấy gạo. Máy phát 24/24 nên mọi người có thể lấy bất cứ thời điểm nào trong ngày. Ảnh: Diệp Phan.
Ban đầu, công ty của anh Tuấn Anh dự định chỉ phát mỗi ngày 500 kg, tuy nhiên ngày đầu tiên đã lên đến một tấn. Ngày thứ hai, có nhiều cá nhân, tổ chức đã chở gạo đến tận nơi để góp thêm cho việc làm ý nghĩa của anh.
Anh dự định sẽ phát gạo đến khi hết dịch. Với nguồn kinh phí của cá nhân và công ty, anh có nguyện vọng làm thêm 100 chiếc máy phát gạo tự động nữa để hỗ trợ người nghèo.
"Thứ thiếu nhiều nhất hiện tại là gạo, nên tôi hy vọng nhận được sự chung tay của cộng đồng", Tuấn Anh nói.
Theo Diệp Phan/VnExpress
Bình luận (0)