Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cây độc làm đẹp đường phố – Kỳ 1

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay tại các công viên, đường phố trong cả nước, các công ty cây xanh đang trồng rất nhiều loại cây thuộc dạng kịch độc để làm đẹp môi trường. Các nhà khoa học cảnh báo: Cái chết có thể ẩn giấu ngay sau vẻ đẹp mỹ miều của các loại cây.

Có lẽ bị cuốn hút vì màu hoa đỏ đẹp đến nao lòng của cây trúc đào mà người dân cả nước đã quên đi đây là một loại cây cực độc. 
Đẹp và độc
Tại TPHCM, cây trúc đào đã đứng đầu trong danh mục các loại cây cực độc mà UBNDTP cấm trồng. Tuy nhiên, thực tế cây trúc đào đang được trồng tại khá nhiều nơi tại các trung tâm các quận mới: Quận 2, quận 9 và Thủ Đức… Đặc biệt, trên dải phân cách dọc xa lộ Hà Nội và dải phân cách dọc Quốc lộ 1A hướng từ trung tâm Sài Gòn ra quận Thủ Đức vẫn còn tồn tại nhiều cây này. Tại giao lộ Nguyễn Xí – Quốc lộ 13, quận Bình Thạnh, TPHCM, nhiều cây trúc đào đang nở hoa đỏ rực, trời nắng nóng nên nhiều người đi đường tranh thủ nép dưới tán cây vừa cho mát, vừa được nhìn hoa đẹp.
Theo tài liệu khoa học, trẻ em chỉ cần ăn phải một lá cây trúc đào có thể dẫn tới tử vong. BS Nguyễn Thị Anh Đào, Bệnh viện ĐHY dược TPHCM cho biết: Khoa Cấp cứu của bệnh viện này cũng đã cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc do mủ hoa cây trúc đào. Tuy nhiên, do các trường hợp đều chuyển đến kịp thời nên hậu quả không nghiêm trọng.
Theo Y học, mọi phần trên cây trúc đào đều độc. Không cần phải dính mủ trúc đào mà chỉ cần vô tình hít phải khói từ cây trúc đào bị đốt cũng gây ra vấn đề. Rắc rối cũng xảy ra khi sử dụng cành cây để xỉa răng hoặc uống nguồn nước mà các bông hoa đã rụng xuống… Ngộ độc và các phản ứng đối với trúc đào rất là nhanh, đòi hỏi phải có sự chăm sóc y tế ngay lập tức khi nghi ngờ (hoặc đã biết) là ngộ độc trúc đào ở cả người lẫn động vật.
Lương y Đinh Công Bảy, tổng thư ký Hội Dược liệu TPHCM cho hay: Cây trúc đào, đào lê, tên khoa học Nerium Oleander L, thuộc họ trúc đào (Apocynaceae). Trong các bộ phận của cây đều chứa chất nhựa màu kem, vàng ngà rồi hóa lục. Trong nhựa này có các glucosid độc, chủ yếu là oleandrin (còn gọi là neriolin) với tỷ lệ 0,7 – 1 phần nghìn. Đây là chất có tác dụng mạnh đối với tim, nếu dùng đúng liều quy định thì có tác dụng trợ tim, nếu dùng quá liều thì sẽ ngộ độc.
Sau khi chất độc vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng: Nôn mửa dữ dội, sau đó người mệt lả không muốn nói năng cử động gì, có khi nhức đầu, chóng mặt đau bụng. Ngộ độc nặng hơn thì có thể trụy tim, tụt huyết áp, hôn mê rối loạn nhịp tim. Ngộ độc quá nặng sẽ dần dần thiếu ôxy lên não. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Không ai cảnh báo
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này có một thực tế đáng ngạc nhiên là người dân rất vô tư với những bụi cây trúc đào được trồng mọi nơi. Tại công viên dưới chân cầu Sài Gòn quận Bình Thạnh, chị tên Phạm Quỳnh Mai Loan 36 tuổi, thản nhiên bẻ hoa tặng cho con. Hỏi chị Loan có biết đây là loài hoa cực độc và đang đưa chất độc cho con mình không? Chị Loan hồn nhiên: “Mấy anh nói sao ấy chứ có ai nói cây này cực độc đâu, hoa nó đẹp thế cơ mà. Nếu cây này độc sao ngành cây xanh không để biển báo “Đây là cây cực độc” để mọi người đừng hái!”.
Trong công viên một đôi bạn trẻ đi dạo, người bạn trai thản nhiên hái hoa tặng cho bạn gái, hỏi anh ta sao lại tặng hoa độc cho bạn mình anh ta hồn nhiên: “Cây này mà độc người ta đã không làm thơ, làm nhạc ca ngợi nó. Thật sự nếu có độc thì độc tố nằm ở đâu, chứ không có nằm ở hoa đâu!”.
Chị Phạm Thị Bích Ngọc giảng viên khoa Đại lý, trường ĐHKHXHNV TPHCM đang làm nghiên cứu sinh ở Thái Lan cho biết: Về Việt Nam, khi đến trường mình rất ngạc nhiên khi dọc đường dọc hai bên các con đường lớn ở TPHCM vẫn còn đầy trúc đào. Chẳng lẽ các ngành chức năng không biết đây là loài cây cực độc và chỉ cần vài lá của nó cũng đủ giết người? Ở các nước, cây này bị cấm đưa vào trồng ở khu vực công cộng…
Lưu ý, chất độc của cây trúc đào không bị phá hủy khi đun sôi hoặc qua quá trình phơi khô sấy. Không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước (giếng ăn, bể nước…) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước. (Lương y Đinh Công Bảy – Tổng thư ký Hội Dược liệu TPHCM)
 

 Theo Việt Nhân
Khoa học & Đời sống

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)