Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cấy ghép tế bào gốc phôi người để điều trị suy giảm thị lực

Tạp Chí Giáo Dục

Thử nghiệm cấy ghép các tế bào gốc phôi người trên 18 bệnh nhân mắc chứng suy giảm thị lực cho thấy hơn một nửa số bệnh nhân đã hồi phục thị lực.

Kết quả này được công bố trên tạp chí y học The Lancet của Anh ngày 14/10.

Các nhà nghiên cứu thuộc hãng công nghệ sinh học Advanced Cell Technology Inc ở Massachusetts của Mỹ đã thử nghiệm cấy ghép tế bào gốc với 18 bệnh nhân mắc phải hai loại bệnh hiểm nghèo do suy thoái giác mạc gây nên.

(Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chín người trong số này mắc bệnh loạn dưỡng điểm vàng Stargardt, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới mù lòa ở tuổi vị thành niên, 9 người còn lại mắc bệnh suy thoái điểm vàng khô do tuổi tác thường gặp ở những người trung niên hoặc cao tuổi.

Cho tới nay vẫn chưa có biện pháp điều trị cố định nào cho cả hai bệnh trên vì thế các bệnh nhân dần bị mù lòa khi các tế bào giác mạc tiếp nhận ánh sáng chết đi.

Các nhà khoa học tiến hành cấy ghép các tế bào giác mạc chiết xuất từ phôi thai ở giai đoạn đầu mới hình thành với các liều lượng khác nhau có thể là 50.000, 100.000 hoặc 150.000 tế bào lên một bên mắt có giác mạc bị ảnh hưởng nặng nề hơn của 18 bệnh nhân.

Sau đó, theo dõi những bệnh nhân này trong vòng trung bình 22 tháng, tối đa là 37 tháng. Kết quả thử nghiệm có 10 người cho thấy sự cải thiện thị lực đáng kể khi họ có thể nhận biết thêm 15 chữ cái trong năm đầu tiên sau khi được cấy ghép.

Nhóm 7 người khác, thị lực vẫn giữ nguyên hoặc có dấu hiệu được cải thiện, chỉ duy nhất một người thị lực bị giảm sút. Còn những bên mắt không được điều trị thì không có dấu hiệu cải thiện, do vậy có thể thấy tác dụng rõ rệt của phương pháp cấy ghép này. Ngoài ra, không có tác dụng phụ hay tình trạng đào thải diễn ra.

Các tế bào gốc tách từ phôi thai với đặc tính linh hoạt có thể phân chia thành bất kỳ loại mô nào trong cơ thể, hứa hẹn là nguồn an toàn cung cấp tế bào mới phục vụ cho việc điều trị các rối loạn y khoa hiếm gặp mà thông thường để điều trị được, phải thay thế hoặc phục hồi các mô tế bào.

Việc phát hiện ra tế bào gốc phôi người vào những năm 1990 vốn được tôn vinh như một liệu pháp thần kỳ nhưng việc sử dụng các tế bào này vào trị liệu sau đó đã gặp phải nhiều vấn đề.

Chính vì thế nghiên cứu này mở ra một chương mới trong sử dụng tế bào gốc phôi người và cũng là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra công dụng lâu dài của các tế bào này thắp lên hy vọng trong việc thay thế những mô đã mất do bệnh tật, tai nạn hay chiến tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận (0)