Trên hành trình thiên lý Bắc – Nam, ai từng qua sẽ không quên mảnh đất bên bờ Hiền Lương – Bến Hải – nơi mang nỗi đau chia cắt đằng đẵng 18 năm ròng, cách một dòng sông, một nhịp cầu nhưng người thân không được gặp nhau bởi chiến tranh khốc liệt. Tròn 50 năm sau, miền đất ấy cây hòa bình đã lên xanh!
Tròn 50 năm sau, miền đất đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải cây hòa bình đã lên xanh!
1.Nắng tháng 5 trên miền đất lửa bỏng rát nhưng bước chân bên cụm di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải đã cảm nhận được hơi mát từ những cây xanh tỏa bóng. Chị Lê Thị Tâm – một du khách đến từ thủ đô Hà Nội chậm rãi đi dưới hai hàng cây Osaka xanh mướt, dừng lại bên tấm biển màu xanh khắc dòng chữ trắng “Vườn cây hòa bình”. “Nếu không đến đây, tôi không nghĩ những cây xanh này lại mang thông điệp về hòa bình, hữu nghị. Chiến tranh lùi xa, sự sống hồi sinh bên bờ vỹ tuyến như vốn dĩ xứng đáng thuộc về con người và mảnh đất này”, chị Tâm bộc bạch.
Vài năm trước, đoàn ngoại giao đến từ bên kia bán cầu, trong đó có những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam đã theo chân những thành viên của tổ chức phi chính phủ Cây Hòa Bình đến để trả lại màu xanh cho một vùng đất chịu nhiều hậu quả của chiến tranh gây ra. Đứng lặng bên bờ sông, ông Kem Hunter – một cựu binh tham gia quân đội Mỹ giai đoạn 1968-1969, có khá nhiều thời gian tham chiến tại Quảng Trị trải lòng: “Tôi nghĩ rằng việc trồng cây ở hai bờ giới tuyến này là hành động mang tính biểu tượng, cho thấy đất nước đoàn tụ trong hòa bình. Hôm nay người dân của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang làm việc cùng nhau, chúng tôi trồng cây xanh trên mảnh đất này để trả lại màu xanh tươi đẹp vốn có, góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn”.
Trong câu chuyện về hành trình trồng cây xanh trên miệng hố bom, bà Phạm Thị Hoàng Hà, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam cho biết, 27 năm về trước, ngay sau khi Việt Nam – Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, tổ chức phi chính phủ của Mỹ tên gọi Cây Hòa bình đã đến Quảng Trị thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ đó đến nay, sau mỗi lần rà phá bom mìn ở một vùng đất nào đó ở Quảng Trị, tổ chức này lại đưa tới những phái đoàn ngoại giao công dân, bao gồm người Mỹ và người dân các nước khác đến trồng cây lên các vùng đất đã dọn sạch bom mìn để nguyện cầu hòa bình cho nhân loại và xây dựng lòng tin, vun đắp mối quan hệ với người dân Việt Nam.
Từng làm nhiều bộ phim ngay trên mảnh đất này thời kỳ chịu nhiều bom đạn của chiến tranh, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Đỗ Duy Hùng xúc động chia sẻ: “Thời chiến tranh tôi từng tham gia làm phim “Lũy thép Vĩnh Linh”, “Những cô gái Ngư Thủy”… rất khó để hình dung khung cảnh thanh bình xanh tươi hiện tại với ngày xưa bom dội, đạn xới. Quả thật, đã có một sự hồi sinh thật mạnh mẽ. Không ai nghĩ nơi này trở thành xanh đẹp thế này, hơn thế nữa nó còn mang thông điệp xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai. Quảng Trị bây giờ đã thay đổi rất nhiều, nhất là phát triển theo hướng du lịch về nguồn. Tôi từng nhiều lần trở lại Quảng Trị và sự trở lại đấy là minh chứng cho thành công của mảnh đất này trong xu thế phát triển du lịch, chuyến đi giúp tôi tìm lại quá khứ và cũng là để cảm nhận được giá trị của hòa bình”.
2.Tròn 27 năm qua, đã có trên 43 nghìn cây xanh được trồng ở các khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Sân bay Tà Cơn, làng hữu nghị, lâm viên Đông Hà và một số trường học trên địa bàn tỉnh… Trồng cây là một trong những hoạt động trong nhóm hoạt động ngoại giao nhân dân mà Tổ chức Cây Hòa bình đặt mục tiêu khi đến với Quảng Trị, không chỉ để trả lại màu xanh cho đất mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu cho người dân. Bà Phạm Thị Hoàng Hà cho biết: “Thời gian tới, Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam ngoài việc duy trì ý nghĩa hoạt động trồng cây trong các hoạt động ngoại giao nhân dân như một biểu trưng của hàn gắn hữu nghị, hòa bình, chúng tôi tiếp tục đưa nội dung trồng cây vào trong hoạt động khác. Qua đó mang giá trị lớn hơn cho hoạt động trồng cây, mang đến màu xanh an toàn cho tỉnh Quảng Trị”.
Du khách tham quan “Vườn cây hòa bình” tại di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải
Chia sẻ thêm về hoạt động trồng xây phủ xanh chiến trường xưa, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị nói: “Chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa và sự lan tỏa của hoạt động trồng cây hữu nghị do Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam triển khai trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ, đồng hành với tổ chức triển khai dự án này trong thời gian tới. Hy vọng rằng Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam sẽ có những sáng kiến những đóng góp nhiều hơn nữa trong khắc phục hậu quả chiến tranh tại địa phương và có những cầu nối hữu nghị giữa bạn bè quốc tế với người dân Quảng Trị”.
3.Còn nhớ cũng chính trên những nhịp cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải, ba năm trước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã có cái bắt tay thật chặt với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink. “Thông điệp của chúng tôi là hai nước chúng ta đã hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng nhau giải quyết những hậu quả còn sót lại của cuộc chiến. Chuyến thăm này của tôi để bày tỏ sự kính trọng với những người đã hy sinh vì lòng yêu nước”, Đại sứ Daniel J.Kritenbrink nói.
Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải – nơi từng chia cắt đất nước, hôm nay hàng nghìn cây được phủ xanh trên vùng đất lửa đã tạo nên cảnh quan đẹp cho những di tích lịch sử. Những cây xanh đang mang sứ mệnh của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa hai dân tộc với thông điệp “khép lại quá khứ để hướng tới tương lai”.
Thiên Phúc
Bình luận (0)