Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cây ngọt sinh trái lành

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ lớn lên và trưởng thành đều chịu ảnh hưởng bởi gia đình, nhà trường và xã hội. Ảnh: Anh Khôi
Trong cuộc sống, nếu như con cái ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ thì mọi người cho rằng trẻ được giáo dục đến nơi đến chốn, thầy cô dạy dỗ tốt. Ngược lại, khi con cái hư hỏng thì mọi người đổ lỗi cho “tiên thiên, tiền định”, “cha mẹ sinh con trời sinh tính”…
Sinh con ai nỡ sinh lòng
Trong quá trình trao đổi về những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách trẻ, một phụ huynh ở Đồng Nai cho biết: “Ngày con vào lớp 1, vợ chồng tôi muốn cho con được học với cô H. – vốn là giáo viên dạy giỏi trong nhiều năm. Khi gặp cô, điều đầu tiên chúng tôi được hỏi là: “Anh chị làm nghề gì? Bằng cấp ra sao?”. Chúng tôi thực sự lúng túng, không biết trả lời thế nào thì cô giải đáp luôn: “Tôi muốn hỏi anh chị như vậy là xem tố chất của con anh chị ra sao? ảnh hưởng từ cha mẹ như thế nào? Lớp tôi nhận phần lớn là những đứa trẻ thông minh từ nhỏ, cha mẹ là người thành đạt nên quá trình dạy dỗ diễn ra rất thuận lợi”. May mà câu trả lời của vợ chồng tôi “hợp gu” nên cô giáo đồng ý nhận cháu vào lớp. Nếu hôm đó chúng tôi trả lời “vợ chồng làm công nhân” hay gì đó thì có lẽ kế hoạch đã thất bại, và những kết quả dù tốt đến bao nhiêu của con ở trường mẫu giáo cũng coi như đổ sông, đổ biển! Sau việc này, tôi mới hiểu ra rằng ngay cả giáo viên cũng có một số người hiểu chưa đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ”.
Ý kiến này đã gây nên nhiều tranh cãi: Phải chăng những người thành công trên thế giới đều có một điều kiện sinh học, xã hội thật tốt từ cha mẹ? Đó là cách hiểu thiếu toàn diện về quá trình hình thành và phát triển của trẻ, đặc biệt từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời con người.
Khi đứa trẻ sinh ra được ví như “một tờ giấy trắng” (cách nói hình ảnh của nhiều người). Điều đó có nghĩa là trẻ mới sinh ra chỉ là một sinh linh nhỏ bé, chịu sự tác động rất lớn từ người mẹ với những mặt như cảm xúc, lời ru, động tác vuốt ve, âu yếm… Và cứ như vậy đứa trẻ lớn dần lên trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh hay chậm của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu như trẻ có một tiền đề sinh học thuận lợi thì việc giáo dục có thể giúp phát triển nhanh chóng và đạt được những mục tiêu mong muốn; ngược lại, tiền đề sinh học bất lợi (khuyết tật, chỉ số IQ thấp…) do di truyền từ cha mẹ hoặc bẩm sinh thì việc giáo dục có thể sẽ khó khăn, phức tạp. Điều này cho thấy, yếu tố sinh học có vai trò không kém phần quan trọng khi trẻ được “truyền lại” bởi những yếu tố về gen từ cha mẹ. Tuy nhiên, yếu tố di truyền, bẩm sinh không phải là yếu tố quyết định cuộc đời con người. Sự thành công hay thất bại, phẩm chất lương thiện hay độc ác… phụ thuộc chủ yếu vào sự tác động của môi trường xã hội mà trẻ đang sống và sẽ sống. Nhà tâm lý học người Mỹ E. Tóocđai (1874-1949) đã cho rằng: “Tự nhiên ban cho mỗi người một vốn nhất định, giáo dục cần phải làm bộc lộ vốn đó là vốn gì và phải sử dụng nó bằng phương tiện tốt nhất”. Và “vốn tự nhiên” đó đặt ra giới hạn cho sự phát triển, cho nên một bộ phận học sinh tỏ ra không đạt được kết quả nào đó “dù giảng dạy tốt”, số khác lại tỏ ra có thành tích “dù giảng dạy tồi”…
Trẻ không thể “tự lớn”
Trẻ sinh ra không mang sẵn phần thiện hay ác, tốt hay xấu. Điều quan trọng là người lớn phải hướng dẫn, giúp đỡ để trẻ có thể hướng thiện, trở thành người có ích trong xã hội.
Các bậc cha mẹ hãy đừng vì sự bất lực mà đổ lỗi cho vai trò của yếu tố thuộc về sinh học. Nhân cách của trẻ hình thành, phát triển và hoàn thiện cả về mặt sinh học và xã hội là một quá trình tác động bởi nhiều chủ thể tham gia – là gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân đứa trẻ.
Sự phát triển của trẻ là quá trình biến đổi từ thấp đến cao theo những độ tuổi nhất định. Ví dụ: Trẻ lên 5 tuổi có nhu cầu tự lập, thiếu niên có cảm giác mình là người lớn, thanh niên có định hướng giá trị…Trẻ em không tự lớn lên chỉ dựa vào cơ thể mà phụ thuộc vào môi trường, chỉ lĩnh hội được những kinh nghiệm xã hội khi có vai trò trung gian của người lớn…
Trẻ lớn lên và trưởng thành bao giờ cũng ảnh hưởng bởi gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là nền tảng, là nơi ươm mầm quan trọng trong sự phát triển từ nhận thức đến thói quen hành vi theo chuẩn mực. Trong khi đó, giáo dục luôn có vai trò chủ đạo trong toàn bộ sự phát triển. Song song đó, trẻ còn chịu sự quy định bởi môi trường xã hội xung quanh. Đặc điểm bẩm sinh, di truyền chỉ được ví như chất xúc tác cần thiết cho sự phát triển ở mức độ cao hay thấp của trẻ.
Hãy hiểu đúng “trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ”, trẻ sinh ra không mang sẵn phần thiện hay ác, tốt hay xấu. Điều quan trọng là người lớn phải hướng dẫn, giúp đỡ để trẻ có thể hướng thiện, trở thành người có ích trong xã hội.
Nguyễn Văn Công (giảng viên tâm lý)
 
Sai lầm trong ngộ nhận
Gần đây các vi phạm pháp luật mang tính tập thể, quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là số thanh thiếu niên gây ra tội ác ngày càng gia tăng. Một số ý kiến cho rằng những đứa trẻ này đều sinh ra từ gia đình mà cha mẹ vốn bất hảo, bạo lực, dòng họ bao đời làm điều ác… Nhưng họ không hiểu rằng trong số đó cũng có nhiều trẻ là con em của những trí thức, những nhà giáo, những công chức, thậm chí là cả những người có học vị cao, uy tín trong xã hội. Một bộ phận phụ huynh nhìn nhận giáo dục chỉ là yếu tố bên ngoài có khả năng làm “nhanh” hay “chậm” để bộc lộ cái tự nhiên. Và họ đã rút ra kết luận sai lầm rằng: Mọi sự can thiệp vào quá trình phát triển tự nhiên của trẻ đều là tùy tiện, không thể tha thứ. Và họ đã bao biện cho sự thiếu trách nhiệm của mình trong giáo dục con trẻ rằng vai trò của gia đình, xã hội chỉ là thứ yếu, quyết định gián tiếp.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)