Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cây nhật nguyệt chữa bệnh đường tiêu hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi nghe nhiều người nói, cây “nhật nguyệt”, còn có tên là “cây con khỉ” hoặc “cây hoàn ngọc” có thể dùng chữa bệnh. Nhưng cụ thể chữa bệnh gì thì chưa rõ?
(Độc giả Trần Thị Việt)
Hoàn ngọc là cây thuốc được nhiều người chú ý từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trong các sách thực vật làm thuốc, thường gọi đó là cây "Xuân hoa". Cây này trong dân gian, còn có rất nhiều tên khác như: “hoàn ngọc”, "nhật nguyệt", "tu lình", "cây con khỉ", "nội đồng", … Tên khoa học là Pseuderanthenum palatiferum Radlk., thuộc họ Ô-rô (Acanthaceae).
Hơn chục năm trước, nhiều người truyền tay nhau tài liệu nói về những tác dụng kỳ diệu của cây hoàn ngọc, thậm chí không ít người cho rằng “hoàn ngọc" là "thuốc thánh", có tác dụng cân bằng âm dương trong cơ thể, do đó có thể chữa khỏi được "bách bệnh": Từ đau dạ dày-tá tràng, rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy, lỵ, viêm đại tràng, trĩ nội, đái buốt, đái gắt, đái ra máu, chấn thương chảy máu,… cho tới viêm gan, xơ gan cổ trướng, viêm thận cấp và mạn, u xơ tuyến tiền liệt, điều chỉnh huyết áp … Tuy nhiên cho đến nay, phần lớn những điều nói trên vẫn chưa được kiểm chứng một cách khoa học trên lâm sàng.
Cũng từ đầu những năm 90, thế kỷ trước, để kiểm chứng kinh nghiệm dân gian, một số trường và viện đã triển khai nghiên cứu về thực vật, hóa học và tác dụng sinh lý của cây hoàn ngọc. Kết quả cho thấy: Lá cây hoàn ngọc có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn, nấm men và nấm mốc gây bệnh, mạnh nhất là đối với một số loại vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa – Chứng tỏ kinh nghiệm dùng lá cây hoàn ngọc – xuân hoa điều trị một số trường hợp bệnh lý đường tiêu hóa, như tiêu chảy, lị trực khuẩn, viêm đại tràng mạn tính, trĩ nội, … là có cơ sở. Điều này cũng khẳng định kinh nghiệm dân gian sử dụng hoàn ngọc chữa bệnh cho gia súc (tiêu chảy ở lợn, chó), gia cầm (gà, vịt).
Một số kết quả nghiên cứu khác còn cho thấy, hoàn ngọc còn làm tăng hồng cầu, tăng hàm lượng hemoglobin và tăng trọng lượng của lợn con sau cai sữa và giảm tỷ lệ lợn còi cọc. Ngoài ra, còn có tác dụng bảo vệ tế bào gan (trên chuột thí nghiệm) và không độc. Tuy nhiên, đối với nhiều tác dụng khác của cây hoàn ngọc, còn cần chờ những kết quả nghiên cứu tiếp theo.
Lương y Hư Đan
Tri Thức Trẻ

Bình luận (0)