Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cay nồng vị rượu kim long

Tạp Chí Giáo Dục

“Chính nguồn mạch nước ngầm trầm tích được thanh lọc tự nhiên trên những truông cát trắng bỏng mắt đã tạo nên thủy lộ trong văn vắt, đủ sức làm dậy mùi vị cay ngọt cho thứ rượu Kim Long sóng sánh nồng nàn. Làng nghề nấu rượu Kim Long với bề dày truyền thống 200 năm nổi tiếng khắp nơi nhờ đó”, anh Nguyễn Xuân Vũ, Phó Chủ nhiệm HTX Kim Long nói!

Người Kim Long làm men truyền thống để bảo đảm chất lượng rượu hảo hạng

Thăng trầm một thuở

Thôn Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) là mảnh đất khó nghèo. Địa hình nhiều truông cát, nước dễ vào khó thoát nên mùa lũ nước ở lại dai dẳng. Chuyện đói kém, trôi nhà mất của và nước mắt chảy tràn của người dân vẫn thường xảy ra vào mỗi đận thiên tai, bão lũ. Người dân Kim Long cứ thế, đánh trần chống chọi với thủy thần suốt cả đời người, tiếp truyền từ đời này sang đời khác. Thư tịch cổ để lại, đất Hải Lăng vốn là dãy rừng ven biển, nhưng sau một cuộc thương hải tang điền của trời đất, cát từ ngoài biển trào lên khuất hết cả cây cối rừng rậm. Dấu vết để lại từ cơn địa chấn hàng triệu năm trước đây là sự có mặt của nhiều cồn cát, truông rú bao bọc làng mạc ven biển. Nhiều ao hồ đầm phá mọc đầy cây tràm, cây dứa, chồi sim. Nghèo vì cát nhưng nhờ cát, những nguồn mạch nước ngầm trầm tích được thanh lọc tự nhiên tạo nên nhiều thủy lộ trong văn vắt, làm dậy nên một nồng độ có mùi vị cay ngọt cho thứ rượu sóng sánh nồng nàn. “Nguồn nước quyết định sự thơm ngon của rượu Kim Long”, anh Nguyễn Xuân Vũ, Phó Chủ nhiệm HTX Kim Long nói. Làng Kim Long ra đời cách đây 200 năm, có tiếng từ triều đại phong kiến, lưu danh ở thời Pháp thuộc và phát triển đến ngày nay. Đại Nam nhất thống chí được biên soạn thời vua Tự Đức, ở quyển thứ tám mục Thổ sản có ghi: “Rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn, có thuế”.

Làng rượu Kim Long là một trong 2 làng nghề đầu tiên tại Quảng Trị được công nhận là làng nghề truyền thống với đầy đủ tiêu chí theo quy định của Chính phủ.

Người Kim Long giữ bếp lửa than hồng rực nối nghề truyền thống rượu Kim Long qua 200 năm

Ký ức tủi hận của những người già Kim Long từng chống chèo qua thời thực dân Pháp đô hộ câu chuyện cấm nấu rượu vẫn còn đâu đó. Thời ấy, người nấu rượu làng Kim Long bị thực dân buộc thôi nấu rượu. “Bình định” xong “rượu lậu” của dân Kim Long, Pháp rảnh tay để lập lên hãng rượu Xi-ka độc quyền ở đó với khu vực rộng chừng 2 héc-ta. Ông Nguyễn Dỏng, Trưởng ban điều hành làng Kim Long cho biết: “Ngày đó, thực dân Pháp cho xây 6 cái giếng ở các địa điểm khác nhau của làng để lấy nước. Cha tui hồi ấy từng phụ trách những người gánh rượu thuê cho hãng xuống sông Vĩnh Định chuyên chở bằng đường thuyền vào Huế trước khi lên tàu lớn sang Pháp, xuất cảng khắp thế giới. Pháp từng đưa công nghệ này về nước sản xuất nhưng không thành công”, ông Dỏng nói.

Gìn giữ một làng nghề truyền thống

Bây giờ nghề nấu rượu Kim Long đã được vực lại. Cả làng có 300 hộ làm nghề nấu rượu với sản lượng 3-5 lít/hộ/ngày, ước tính thu về hàng năm khoảng 2 tỷ đồng. Rượu nấu ra do các hộ tự phân phối đi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Anh Nguyễn Xuân Vũ cho biết, hiện làng nghề xây dựng thương hiệu để đưa rượu vào hệ thống siêu thị, cửa hàng… mở rộng thị trường trên toàn quốc. 

Người Kim Long vẫn lưu giữ cách nấu rượu truyền thống. Chị Nguyễn Thị Thúy, một hộ dân nấu rượu ở làng cho biết: “Để cơm lên men phải mất 5 ngày đêm ngâm ủ. Người nấu phải thức giấc từ 4 giờ sáng, đến gần trưa, cứ 3kg gạo mới nấu được một lít rượu. Dù thu nhập không cao nhưng cũng đỡ được phần nào cho con cái ăn học”. Hỏi chị, sao không chuyển sang phương thức nấu công nghiệp để nguồn thu cao hơn? Chị Thúy trải lòng: “Tuy nấu công nghiệp cho nhiều rượu nhưng làm mất hương vị truyền thống. Nghề nối truyền thấm thoắt cũng đã qua gần chục đời nấu rượu”.

Vài năm trở lại đây, người Kim Long canh tác thêm loại gạo đỏ, gạo thảo dược để nấu rượu. Anh Vũ bấm đốt ngón tay: “Hiện tại, rượu Kim Long thành phẩm có 4 loại, gồm: rượu gạo, rượu nếp, rượu đỏ, rượu thảo dược, nồng độ khoảng 45%”. “Người Kim Long nấu rượu không phải để uống cho say mà uống để nhớ, uống nhẹ nhàng, từ tốn, nhẩn nha và để cơn say đến lúc nào không rõ, giấc ngủ kéo đến lúc nào không rõ, chỉ đến khi tỉnh giấc mới biết là mình vừa say, ấy mới là Kim Long mỹ tửu”.

Anh Vũ cho biết: “Người Kim Long nấu rượu mỗi nồi 3kg gạo thì chỉ lấy một lít rượu đầu tiên, lượng rượu chảy ra sau đó nhạt hơn, không còn là rượu Kim Long nữa, người Kim Long không uống thứ rượu đó, lại càng không bán, hoặc biếu hay cho người khác. Đó là cách giữ gìn thương hiệu, một nét văn hóa của người nấu rượu vậy!”. 

Qua bao đận thăng trầm, làng rượu Kim Long với 300 gian bếp vẫn hồng than lửa. Đến Kim Long, tận mắt chứng kiến hình ảnh người dân lặng lẽ bên lò nhóm lửa. Chợt nhận ra, sự kế thừa nét văn hóa truyền thống của làng nghề đôi khi chỉ bắt đầu từ một hình ảnh dung dị như thế…

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)