Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cây trôm đắng

Tạp Chí Giáo Dục

Mủ trôm là một thức uống có vị ngọt thanh, thế nhưng đối với nhiều nông dân ở huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) và huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thì mủ trôm lại có vị quá đắng. Ba năm trước, vì tin tưởng được bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận hấp dẫn, các nông dân đã đốn bỏ các loại cây trồng đang thu hoạch để chuyên canh cây trôm. Nay cây trôm đến ngày cho mủ thì giá thu mua rẻ mạt.

Khu đất trồng cây trôm

Mủ thô hay mủ khô?
Những ngày này, về huyện Hàm Tân hay Xuyên Mộc, nếu ghé vào quán cà phê mà nghe có nông dân nói giọng gay gắt, mỉa mai thì y như rằng người đó đang bực dọc nói đến cây trôm. Qua thông tin phản ánh của bạn đọc, chúng tôi về xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) thăm hỏi tình hình. Đang hỏi chuyện ông Phạm Anh Tuấn (ngụ tại khu 1, xã Bình Châu) ở một quán cà phê ven quốc lộ 55 gần ngã ba suối nước nóng Bình Châu thì ông Nguyễn Tiên (bạn của ông Tuấn) chạy xe tấp vào. Thấy ông Tiên, ông Tuấn liền hỏi: “Nghe nói anh Bảy định thanh lý cây trôm hả?”. Không cần suy nghĩ, ông Bảy Tiên trả lời liền: “Chắc đốn bỏ thôi! Mình mà đồng ý để tụi nó “mở miệng” (rạch cây trôm để thu mủ) là mất thêm một mớ tiền nữa!”. Tôi bất ngờ và vô cùng ngạc nhiên: “Đến mùa thu hoạch mà sao tốn tiền?”. Ông Bảy Tiên cười mà miệng méo xệch: “Tụi tôi nông dân mà, tính “rụp rụp” lẹ lắm! Bên công ty cho biết tiền “mở miệng” mỗi cây trôm là 15.000 đồng, mình phải mua cái chén hứng mủ, rồi sắm thêm dây đai để giữ cái chén chặt vào thân cây, thêm chi tiền công thợ. Do thu hoạch vào mùa mưa nên phải xây thêm cái nhà để phơi mủ… Vị chi tất cả gần 50.000 đồng/cây. Thu mỗi cây chỉ được 2 lạng mủ khô, mà mỗi ký 200.000 đồng. Vậy là thu được có 40.000 đồng/cây. Coi như lỗ mất 10.000 đồng mỗi cây. Mà tôi trồng 2 mẫu trôm, khoảng 1.800 cây…”. Nói đến đây, ông Bảy Tiên nín thinh. Nghề nông khổ cực lấy công làm lời, nhưng với thu hoạch từ cây trôm thế này thì coi như làm không công, mà còn lỗ luôn tiền nhà!
Ông Tuấn móc tờ hợp đồng trong túi áo đưa tôi xem và than: “Cách nay hơn 2 năm, tôi ký hợp đồng với Công ty Tứ Anh trồng 1 mẫu cây trôm hôi để lấy mủ. Trong hợp đồng ghi rõ là đến năm thứ 3 sẽ thu mủ trôm lứa đầu tiên. Và họ hứa hẹn sẽ thu mua với giá khoảng 200.000 đồng/kg mủ thô. Nhưng nay đến gần ngày thu hoạch thì họ bảo giá đó là giá mua mủ khô. Mủ thô với mủ khô một vần, nhưng để mủ thô thành mủ khô thì người nông dân phải phơi. Phơi xong chỉ được chút mủ khô. Nếu có lẫn tạp chất thì giá còn thấp hơn nữa và có khi họ không thu mua”. Nông dân đã lọt vào thòng lọng, điêu đứng, bởi lẽ nếu không bán cho Công ty Tứ Anh thì bán cho ai?
Có đốn cây trôm?
Được biết, 3 năm trước, doanh nghiệp tư nhân Tứ Anh (trụ sở tại huyện Lagi, tỉnh Bình Thuận) vận động nông dân ở huyện Hàm Thuận và huyện Xuyên Mộc trồng trôm và hứa hẹn sẽ bao tiêu sản phẩm mủ trôm. Theo hợp đồng ký kết, nông dân phải mua cây giống của doanh nghiệp này và phải chịu sự quản lý của họ về kỹ thuật, giống, thu hoạch. Với ước vọng đổi đời, nhiều hộ dân đã đốn bỏ vườn nhãn, bạch đàn, xoài, khoai mì… đang kỳ thu hoạch để trồng cây trôm. Ông Bảy Tiên kể: “Ai cũng hy vọng cây trôm sẽ mang đến cuộc sống khá giả cho mình. Công ty Tứ Anh hứa hẹn năm thu hoạch đầu tiên (tức năm thứ 3 kể từ khi trồng), mỗi cây sẽ thu hoạch được khoảng 2kg mủ, mỗi ký mủ giá 200.000 đồng. Tính tròm trèm mỗi mẫu thu nhập khoảng 360 triệu đồng. Tôi trừ hết các chi phí và thất thoát do thời tiết, kỹ thuật, còn lời khoảng 120 triệu đồng là sống khỏe. Bởi, từ đó về sau, cây sẽ cho mủ nhiều hơn. Mủ trôm chất lượng hơn, giá cao hơn… Thế nhưng, mọi cái không phải như vậy!”.
Nếu vẫn trồng nhãn, mỗi hécta nhãn nông dân cũng thu được gần 200 triệu đồng mỗi năm. Nếu không có điều kiện chăm sóc, nông dân cho thuê vườn nhãn cũng thu được cả trăm triệu đồng mỗi năm. Bèo bọt như cây bạch đàn, loại cây không cần sự chăm sóc thường xuyên, cây giống rẻ… cũng thu được 100 triệu đồng mỗi kỳ thu hoạch. Để tự cứu khi đã lỡ trồng cây trôm, ông Bảy Tiên và các nông dân trồng cây trôm đã đi nhiều tỉnh, thành để tìm đầu ra cho mủ trôm, nhưng các nơi đều có nguồn cung ổn định rồi. Tại thời điểm này, nông dân đã lỡ trồng cây trôm và đang đứng ở ngã ba đường. Trồng tiếp thì thu hoạch không đủ chi phí đã đầu tư. Nếu cắn răng đốn bỏ cây trôm để trồng nhãn, bạch đàn, xoài… cũng phải vài năm mới có thu hoạch…

ĐOÀN HIỆP

(SGGP)

Bình luận (0)