Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

CDIO – rút ngắn khoảng cách giảng dạy và thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

Ra đời từ năm 2000, mô hình CDIO đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách giữa giảng dạy và thực tiễn.
Việc tiếp cận CDIO đã góp phần giúp 20 chương trình đào tạo tại ĐH Quốc gia TP.HCM được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế AUN-QA, ABET…
Từ ngày 25 đến 27-3, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội nghị CDIO khu vực châu Á, bên cạnh đề cập việc triển khai CDIO cho các chương trình thuộc lĩnh vực kỹ thuật còn mở rộng sang cả những lĩnh vực khác. Các đại biểu cho rằng, để đạt được chất lượng đào tạo chuẩn mực, nhất thiết phải có sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố như: Chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, phương thức đào tạo tiên tiến, phương pháp dạy và học tích cực, môi trường học tập tạo điều kiện tốt nhất cho người học phát huy tối đa năng lực bản thân. Tuy nhiên, việc phát triển đồng bộ các yếu tố này là thách thức không nhỏ đối với bất cứ cơ sở giáo dục ĐH. Bằng áp dụng mô hình CDIO, ĐH Quốc gia TP.HCM thời gian qua đã tìm ra phương thức vượt qua thách thức này.
Cụ thể, mô hình CDIO cung cấp một phương pháp tiếp cận toàn diện, một khung chuẩn giáo dục sáng tạo gồm đề cương, tiêu chuẩn và thang tiêu chí đánh giá. Những điều này giúp đổi mới và cải cách GD-ĐT một cách hệ thống: Làm rõ mục tiêu giáo dục dưới dạng chuẩn đầu ra và đảm bảo chương trình được xây dựng, thực hiện hiệu quả nhằm phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên.
Nhờ những đóng góp quan trọng vào việc rút ngắn khoảng cách giữa giảng dạy và thực tiễn nên mô hình CDIO đến nay đã được nhiều trường ĐH áp dụng như một hệ thống giải pháp đồng bộ giúp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện Hiệp hội CDIO đã có trên 100 thành viên là các ĐH hàng đầu trên thế giới. Riêng châu Á có 16 trường thành viên tại 6 quốc gia tham gia hiệp hội. ĐH Quốc gia TP.HCM hiện triển khai chương trình CDIO tại 4 trường với 45 ngành đào tạo, chiếm trên 50% số ngành đào tạo trong toàn hệ thống.
Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Nguyễn Hội Nghĩa đánh giá mô hình CDIO sau 5 năm áp dụng đã cho thấy những tác động tích cực. Các đơn vị tham gia đã thiết kế các chương trình đào tạo với chuẩn đầu ra gắn liền thực tiễn; đồng thời tăng cường những kỹ năng, năng lực, phẩm chất, thái độ đối với người học. Các trường cũng xây dựng cơ sở vật chất để giảng viên, sinh viên có thể phát huy tối đa sáng tạo, những cải tiến, thực hành, tự do trong không gian học tập. Cũng theo ông Nghĩa, trong năm qua, các trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa đã có lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp từ chương trình CDIO. Nhiều em trong đó được đánh giá cao, không chỉ vững kiến thức mà còn có kỹ năng, thái độ, năng lực, phẩm chất phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
M.T

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)