Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

CEO thuê khó có thực quyền

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hợp đồng đầu tiên theo cơ chế giám đốc làm thuê tại doanh nghiệp nhà nước không được gia hạn. Đề án được xin lùi thời điểm trình từ tháng 10/2008 chuyển sang năm 2010 cho thấy, cơ chế thí điểm đang gặp trở ngại.

Theo nguồn tin từ Tổng công ty Công nghiệp ôtô (Vinamotor), ông Trần Quang Thành, Tổng giám đốc điều hành (CEO) đầu tiên theo cơ chế thuê đã nghỉ việc sau khi hợp đồng kết thúc hồi tháng 8 mà không được gia hạn. Thay vào vị trí của ông là một người khác và có thể được bổ nhiệm trong nay mai theo cơ chế cũ.

Thực hiện thí điểm ở năm tổng công ty, tập đoàn nhà nước, gồm: Vinamotor, tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện, tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin), tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng và tổng công ty Sông Hồng. Mãi tới năm 2007, hai năm sau khi có chủ trương thí điểm, Vinamotor mới tìm được người. Sau đó, tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện cũng ký hợp đồng thuê một CEO mới. Cả hai vị này đều là người của doanh nghiệp thành viên, nên thực chất là điều chuyển nhân lực trong nội bộ doanh nghiệp.

Về quyền của CEO đi thuê được ghi trong hợp đồng lao động, ông Từ Văn Hùng, thành viên hội đồng quản trị Vinamotor cho biết, bao gồm 12 quyền chung giống như quy định trong luật Doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, CEO làm thuê khó có thể tự quyết dù cơ chế được xây dựng nhằm tác động mạnh vào nhân sự, điều hành doanh nghiệp nhà nước. Nguồn tin từ Vinamotor cho biết, ông Thành nghỉ việc là lý do “cá nhân”.

Trong thực tế một năm ở vị trí CEO theo hợp đồng, ông Thành hầu như không để lại dấu ấn gì trong hoạt động của tập đoàn này. Một phần do kinh tế suy thoái, ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp ôtô, một phần vì cơ chế chưa cho phép ông Thành được tự quyết và chịu trách nhiệm cá nhân về các quyết định của mình. Chính sự bó buộc này đã khiến việc thuê CEO chỉ là hình thức do người được thuê không có thực quyền.

Nhằm kích thích doanh nghiệp “mạnh dạn” hơn, Chính phủ giao bộ Lao động – thương binh và xã hội xây dựng đề án tuyển chọn, ký hợp đồng, chế độ tiền lương, thưởng đối với tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, thời hạn trình đề án theo quy định là tháng 10.2008 đã được hoãn tới năm 2010, với lý do chủ yếu là chưa tháo gỡ được các vướng mắc.

Ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Lao động – tiền lương (Bộ Lao động), người chắp bút cho dự thảo đề án này cho biết, để cơ chế thuê CEO phát huy hiệu quả, vấn đề mấu chốt nhất là phải quy định quyền của CEO. Tuy nhiên, kể cả ở hai doanh nghiệp đã thuê được CEO, quyền của những CEO này cũng không khác gì so với thẩm quyền của các CEO được bổ nhiệm theo cơ chế cũ. “Điều này rất khó để CEO đi thuê được tự chủ trong điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hào bình luận.

Ngoài ra, để CEO có được thực quyền, trước hết họ phải có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm và cơ cấu lại bộ máy của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định tại luật Doanh nghiệp nhà nước, những quyền này bị hạn chế. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp thí điểm thuê CEO đều “bám” vào luật này để xây dựng cơ chế cho mình.

Khi lùi thời gian trình đề án, những người soạn thảo hy vọng trong năm 2009, các tổng công ty còn lại sẽ thuê được người, để có thể phân tích và xây dựng đề án. Cho tới thời điểm này, Vinamotor đã ngưng kế hoạch thuê CEO, ba doanh nghiệp còn lại cũng chưa thuê được ai.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)