Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chả có cái dại nào giống cái dại nào

Tạp Chí Giáo Dục

 

Mấy tuần trước tôi có hai tiết ôn tập để thi học kỳ 2 cho học sinh lớp 9. Vụ này không phải là trách nhiệm chính của tôi, chẳng qua có giáo viên bộ môn của trường đột ngột chuyển công tác qua trường khác nên tôi được lãnh đạo trường phân công dạy thay chữa cháy mấy bữa. Nói mấy bữa nhưng nay cũng đã hơn cả tháng rồi và tình hình sẽ kéo dài cho đến hết năm học là cái chắc. Mà trên thực tế thì về cơ bản năm học cũng đã hết rồi vì tuần sau các em học sinh đã thi học kỳ 2. Sau đó là tổng kết năm học và phát thưởng rồi nghỉ hè.

Nói thật mấy chục năm làm nghề giáo, dạy sinh viên ĐH quá quen rồi (tôi vốn là giảng viên ĐH đã về hưu). Nay bỗng dưng dạy học sinh phổ thông thấy khó thiệt. Dạy mà không đọc cho các em chép là không xong với các em. Chẳng hạn, đang giảng bài ngon trớn có em hỏi: Chỗ đó có chép không thầy. Vì thế lâu lâu tôi phải nhắc: Nãy giờ là thầy phân tích, giờ chép vô tập nha. Chép xong chưa, giờ nghe tiếp nha… Ôi trời. Các em mới học lớp 9 mà. Hồi học lớp 9, tôi còn tệ hơn các em bây giờ nhiều.

Vậy mà hiệu trưởng khi phân công tôi dạy với quan niệm: Đi xe máy được thì chắc đi xe đạp cũng tốt. Ổng có biết đâu giờ mà giao tôi chạy cái xe đạp ra đường phố đông người còn ngọng nghịu hơn cả trẻ mới tập đi. Tuy nhiên tôi bắt nhịp khá nhanh. Kiến thức không lo, vấn đề là phương pháp giảng dạy phải phù hợp với lứa tuổi.

Vấn đề ở chỗ là các em rất hồn nhiên và tiếp thu bài rất nhanh. Sau một tiết hướng dẫn ôn thi, cách làm bài thi với những cách viết mở bài như thế nào, giải quyết vấn đề từng câu hỏi trong đề thi ra sao, khi chuông reo báo hết giờ các em còn xúm lên bàn giáo viên hỏi thêm: Vậy bài này, bài kia có học không thầy mặc dù mọi chi tiết đã có hết trong đề cương ôn tập.

Với tôi, đi dạy ở bậc ĐH thì tôi coi sinh viên như em mình, thậm chí như bạn mình, bây giờ dạy học sinh phổ thông thì tôi coi các em như con cháu mình. Em nào quậy mấy tôi cũng không ghét, em nào học kém mấy tôi cũng không coi thường và tận tình giải đáp hết mọi thắc mắc của học sinh. Trách nhiệm làm thầy của mình phải thế. Không thế ai gọi mình là nhà giáo dục. Nghề gì cũng đòi hỏi phải có cái tâm nhưng với nghề dạy học, cái tâm là trên hết. Không có tâm đừng làm nghề dạy học. Tôi luôn nghĩ như thế từ khi bước vào nghề.

Vì thế tôi xem những câu hỏi hồn nhiên của học sinh, kể cả những câu hỏi ngô nghê nhất đều có lý và trách nhiệm của mình là phải đáp ứng hết mọi nhu cầu về kiến thức của các em. Tôi xua tay bảo các em xuống lớp ngồi lại nghiêm túc, ai có ý kiến gì phát biểu, thầy sẽ giải đáp hết, không được xúm lên bàn giáo viên. Ai sẽ nói cho ai nghe trong mớ hỗn độn lộn xộn ấy.

Thiệt là chả có cái dại nào giống cái dại nào. Nói là nói vậy thôi nhưng nghĩ đến lúc chỉ còn vài tuần nữa là các em bước vào tháng nghỉ hè, tôi lại thấy bùi ngùi.

Hà Tùng Sơn

 

Bình luận (0)