Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Cha đẻ” các thiết bị cải tiến

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Hà Hữu Thạch (bìa phải) tặng giấy khen cho các thầy cô của trường
Không phải chờ đến hôm nay, Trường THPT Giồng Ông Tố mới trở thành “địa chỉ đáng tin cậy” để cho cụm trưởng cụm chuyên môn của 11 trường ngoại thành chọn làm đơn vị đăng cai các kỳ “Olympic chuyên môn”. Theo ý kiến đánh giá của các “khách quen” từng đến dự hội giảng, đây là lần đầu tiên Hiệu trưởng nhà trường chọn cho mình một “lối đi riêng” qua việc tổ chức một hội giảng “hoành tráng” có tính đột phá, nhất là việc ứng dụng thiết bị dạy học.
Cú đột phá chuyên môn
Theo lệ thường, trước đây các buổi sinh hoạt chuyên môn được tổ chức dưới hình thức thao giảng để các trường học hỏi kinh nghiệm. Và mỗi lần như vậy chỉ tổ chức được 1 đến 2 bộ môn. Có văn, toán thì không thể tổ chức được sinh, hóa hay sử, địa. Vậy mà kỳ “hội thao” lần này, BGH Trường THPT Giồng Ông Tố quyết “nổ phát pháo đầu tiên” bằng 6 môn văn – toán – lý – hóa – sử – tiếng Anh. Không giống như các lần trước đó, kỳ “Olympic chuyên môn” năm 2011, Trường THPT Giồng Ông Tố vừa tạo cơ hội rèn giũa tay nghề vừa để cho các thầy cô thi thố tài năng trên bục giảng. ThS. Hà Hữu Thạch – Hiệu trưởng nhà trường thổ lộ: “Hội giảng lần này nhằm phát động phong trào dạy học theo hướng đổi mới và phát hiện ra các nhân tố tích cực trong phong trào thi đua dạy và học của nhà trường”. Cũng theo thầy Thạch, hình thức tổ chức như thế này rất phù hợp với chủ trương mới của Bộ GD-ĐT về xây dựng phong trào bồi dưỡng đội ngũ giáo viên (GV) giỏi cấp trường mà nhiều địa phương trước đây đã bỏ qua. Các thành viên trong ban giám khảo được mời về là những “cây đa cây đề” 6 bộ môn của 11 trường trong cụm. Ai dạy hay có nhiều sáng tạo trong phương pháp đều được đồng nghiệp ghi nhận một cách khách quan. Theo đánh giá của những người “cầm cân nảy mực”, các tiết dạy đạt kết quả ngoài “hữu xạ tự nhiên hương” còn có một yếu tố không kém phần quan trọng đó là các “đạo cụ” trên bục giảng. Ngoài các phòng học vẫn giữ được nếp truyền thống “bảng đen phấn trắng”, nhiều tiết giảng đã được thực hiện bằng các loại giáo cụ trực quan cải tiến và hiện đại như bảng thí nghiệm hóa học; bảng e-Beam dành cho môn toán, lý; phòng Multi phục vụ môn tiếng Anh… Nếu trước đây dùng bảng thường, GV không có cách nào giấu được toàn bộ sườn bài ghi sẵn. Cách ghi lộ liễu như vậy đã bị nhiều người phản đối vì chính thầy cô chứ không ai khác đã gây sự nhàm chán và máy móc cho học sinh (HS). Nhờ có 3 lớp bảng mà những đáp án, bài giải của GV tuy được chuẩn bị trước nhưng vẫn được cất kỹ, đến khi cần mới đưa ra. Giờ tiếng Anh còn có nhiều điều thích thú hơn. Mỗi HS được “vũ trang đến tận răng” từ màn hình cá nhân, tai phone… phục vụ các kỹ năng nghe, nhìn, nói. Cũng nhờ thiết bị theo kiểu mạng lưới này mà GV có thể nói chuyện được với từng nhóm và cả từng em theo cách dạy định hướng cá thể hóa.
Mày mò sáng chế thiết bị

Trong giờ học của HS Trường THPT Giồng Ông Tố
Trong thời gian trường đăng cai hội giảng, BGH nhà trường ai cũng tất bật hơn ngày thường vì lo khâu tổ chức. Nhưng bận rộn hơn vẫn là “người nhạc trưởng” Hà Hữu Thạch. Được các trường bạn khuyến khích và động viên làm đơn vị thí điểm lần đầu, ngoài niềm vinh dự thầy Thạch vẫn không khỏi lo lắng. Biết là “hao hơi tốn sức” nhưng cái được lại nhiều hơn cái mất nên BGH thấy đây là một dịp may để trường khuấy động phong trào bồi dưỡng GV giỏi cũng như tạo cơ hội cho các thầy cô cọ xát về chuyên môn. Không chỉ tôi mà các GV khác trong cụm cũng thật sự bất ngờ khi biết tác giả của các công trình cải tiến nêu trên không ai khác ngoài thầy Hiệu trưởng. Từng đi tham quan học tập nhiều nơi trong và ngoài nước, thầy Thạch đã có một tâm niệm, muốn làm được “một cuộc cách mạng” về giáo dục, nhất là đổi mới phương pháp giảng dạy của các GV trong trường. Bỗng một ngày thầy trò Trường THPT Giồng Ông Tố thấy 5 chiếc bảng “lạ” xuất hiện trong phòng học. Theo chân thầy Thạch vào từng phòng học để tìm hiểu về loại bảng này, tôi cũng ngạc nhiên không kém vì thấy chiếc bảng không chỉ có 2 lớp như mô hình các nơi khác mà còn có thêm một lớp nữa để thành chiếc bảng 3 lớp “có một không hai”. Thì ra đây là sáng kiến của thầy với mục đích tận dụng hết sự đa năng của nó. “Có nhiều môn không cần ghi nhiều nhưng có môn GV phải trình bày trên bảng mới thể hiện được nội dung tiết học và quan trọng hơn là phát huy được những phương pháp giảng dạy tiên tiến”, thầy Thạch cho biết. Cũng từ cách “học lóm” đó, thầy còn chế ra một loại bảng dành riêng cho môn hóa mà tôi chưa gặp bao giờ. Từng nghe các GV trường khác “xì xào” bàn tán về chiếc bảng này nhưng đến khi trực tiếp “mục sở thị” tôi mới thấy hết công dụng của nó. Cứ mỗi khi tôi thắc mắc từng bộ phận trên chiếc bảng, một cô giáo Tổ hóa lại giải thích và làm thử cho tôi xem. Đến lúc đó tôi mới thấy những thanh sắt gắn trên đó có tác dụng kẹp ống nghiệm, tấm bảng phía sau tưởng làm cho đẹp không ngờ lại có tác dụng làm nền để HS thấy rõ thí nghiệm hơn khi có khói bốc lên. Các thầy trong tổ bộ môn tuy không trực tiếp cho ra đời chiếc bảng nhưng đã đứng ra thiết kế mô hình để ra ngoài mướn thợ về làm. Nhờ những vật liệu tự chế này mà hội giảng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về những tiết dạy đổi mới phương pháp ở một ngôi trường vùng ven. Cũng theo chủ trương chăm chút từng cái nhỏ, chi tiết của BGH mà các phòng học ở đây được trang trí nhẹ nhàng, đơn giản, chủ yếu là do thầy trò trong trường tự khánh tiết nên không gian lớp học thật gần gũi và thân thiện.
Chiến lược “chiêu hiền đãi sĩ”
Nghe phong thanh từ lâu Trường THPT Giồng Ông Tố có phong trào GV đi học rất mạnh, tôi đi tìm hiểu thử mới biết lời đồn không sai. Một trường THPT hiện đã có 8 thạc sĩ quả là con số không nhỏ. Dù BGH không nói ra nhưng tôi biết ngoài nỗ lực cá nhân không thể thiếu được sự ưu ái của Chi bộ, Công đoàn nhà trường. Có lần tôi đặt thẳng câu hỏi với thầy: “Đi học xong có bằng cấp cao hơn, nhà trường không sợ các thầy cô xin đi dạy chỗ khác hay sao?”. Thầy Thạch chia sẻ: “Cũng chính vì thế mà nhà trường luôn quan tâm đến chế độ đãi ngộ xứng đáng với anh em như tăng tiền thưởng, lương tháng 13, trợ cấp phụ trội…”. Theo thầy, người quản lý nếu biết tạo nguồn kinh phí từ tiết kiệm chi, biết sử dụng đúng mục đích, tăng cường bảo vệ cơ sở vật chất và hạn chế tới mức thấp nhất những “đầu ra” không cần thiết thì sẽ có thêm được nhiều khoản kinh phí để mua sắm và tạo thêm nguồn thu nhập cho CB-GV-CNV nhà trường. Và thầy cho biết, không phải tiền bạc quyết định tất cả, cái giữ chân thầy cô là tình người, tình cảm đồng nghiệp gắn bó với nhau như trong một gia đình. Không chỉ giữ chân được người tài mà nhà trường còn tìm cách “chiêu hiền đãi sĩ” từ các nơi khác về để hút nguồn “chất xám” trong đội ngũ GV và đặc biệt quan tâm chủ trương địa phương hóa đội ngũ. Nhờ vậy mà đến nay trường đã có thêm các GV giỏi là những HS cũ của trường từ nơi khác “đổ” về như ThS. Phan Thanh Trang (Tổ lý), nữ Chủ tịch Công đoàn Trương Quốc Anh (Tổ địa), thầy Phương Thanh Vũ (Tổ văn)… Chính lực lượng này đã giúp cho tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của trường năm sau luôn cao hơn năm trước và số lượng HS giỏi cấp TP cũng tăng thêm.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Từng là cán bộ quản lý ở Trường THPT Lê Quý Đôn và đặc biệt đã có 10 năm lao vào hoạt động trợ lý Đoàn thanh niên nên Hiệu trưởng Hà Hữu Thạch luôn có “chất lửa” trong phong trào. Lớn lên từ phong trào Đoàn hội nên thầy có được phẩm chất năng động, nhạy bén giống như các “thủ lĩnh” khác. Ở bất kỳ cương vị nào thầy cũng có một phong cách làm việc “rất Đoàn”: bản lĩnh, cống hiến, có tính định hướng và khoa học.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)