Năm 2005, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã có buổi tiếp giáo sư Michael Porter- người được xem là “cha đẻ” chiến lược cạnh tranh, bậc thầy về chiến lược kinh tế.
Giáo sư Michael Porter được giới chuyên môn coi là một trong những bộ óc quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới.
Ngày 1/12 tới, tại TP Hồ Chí Minh, Giáo sư Michael Porter sẽ dự và phát biểu trong cuộc hội thảo quốc tế “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam”, theo lời mời của Học viện Giám đốc PACE-đơn vị tổ chức hội thảo.
Tham dự hội thảo này ngoài các doanh nhân, doanh nghiệp còn có lãnh đạo các cấp, các ngành, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô và các nhà nghiên cứu.
Trao đổi với báo chí Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương – Phó Ban Tổ chức Hội thảo, Giám đốc Dự án của Học viện Giám đốc PACE cho biết: Đây là lần đầu tiên Giáo sư Michael Porter đến Việt Nam và cũng là lần đầu tiên các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, giới học giả và giới kinh doanh Việt Nam được nghe ông phát biểu và cùng chia sẻ với ông về những vấn đề kinh tế.
Bối cảnh Việt Nam và thế giới bây giờ khác xa so với những năm trước đây khi giáo sư Michael Porter gặp Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005. Thế giới hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế Việt Nam cũng đang có những khó khăn nhất định…
Chính vì vậy, những chia sẻ của ông chắc chắn có nhiều điểm mới. Những kiến giải của giáo sư Michael Porter sẽ góp phần giúp Việt Nam nhìn lại mình, hiểu mình một cách sâu sắc hơn và tự đánh giá vị trí của mình đang đứng ở đâu và biết tự xác định đâu là “nội lực” trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam…
Theo bà Uyên Phương, trước đây tại một cuộc hội thảo ở Mỹ, Giáo sư Michael Porter đã có bài phát biểu về chủ đề Năng lực cạnh tranh quốc gia:
Những vấn đề của Việt Nam trong đó, ông đưa ra những cách nhìn và nhận xét sâu sắc về “năng lực cạnh tranh quốc gia”, đánh giá sức cạnh tranh của Việt Nam và một số giải pháp để cải thiện chỉ số cạnh tranh của đất nước. Những luận điểm mà ông đưa ra đã nhanh chóng lan tỏa và tạo thành diễn đàn thảo luận sôi nổi trong nhiều giới khác nhau.
Giáo sư Michael Porter từng nhận xét: “Tôi nhìn thấy ở Việt Nam một năng lực sản xuất và môi trường làm việc rất tốt… Những tín hiệu ban đầu cho thấy tham vọng có thể xây dựng Việt Nam trở thành một địa điểm năng suất cao và nâng cấp các khu vực nội địa”.
Giáo sư Michael Porter đã từng đưa ra khái niệm “Tam giác Bermuda chiến lược” để nói về các doanh nghiệp bị rơi vào vòng xoáy phải gia tăng giá trị cổ phần và “làm đẹp” các chỉ số tài chính ngắn hạn hơn là chú trọng đến phát triển bền vững trong dài hạn. Dường như ông đã dự đoán rất chính xác một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Bà Uyên Phương cho biết, năm ngoái PACE đã mời “cha đẻ marketing hiện đại” Philip Kotler đến Việt Nam sau gần 2 năm đàm phán. Quá trình mời Giáo sư Michael Porter cũng vất vả không kém vì ông là nhân vật mà bất kỳ quốc gia nào cũng mong muốn được đón tiếp.
Bình luận (0)