Thầy giáo Trần Đức Bé đang xây dựng phần mềm quản lý nhà trường |
Gần 10 năm qua, thầy Trần Đức Bé (giáo viên môn công nghệ của Trường THPT Nguyễn Hiền -TP.HCM) đã âm thầm sáng tạo ra hơn 20 phần mềm rất hữu ích phục vụ cho công tác quản lý trong nhà trường. Tuy nhiên, theo thầy Bé việc thực hiện những phần mềm này trước hết là để thỏa mãn niềm đam mê tin học cũng như đáp ứng được những nhu cầu cần thiết của trường học chứ không mang mục đích kinh doanh.
Lập trình viên “tay ngang”
Sinh năm 1967 trong một gia đình nông dân nghèo tại Mộ Đức – Quảng Ngãi. Thời còn là sinh viên Khoa Nông nghiệp Trường ĐHSP Kỹ thuật TP.HCM, thầy đã phải “kinh” qua rất nhiều nghề để có tiền ăn học. Ra trường năm 1993, thầy được nhận về dạy ở Trường THPT Nguyễn Hiền (môn kỹ thuật nông nghiệp và hiện tại là môn công nghệ). Tuy nhiên, ngoài việc giảng dạy thầy còn được nhà trường phân công làm công tác giám thị. Và chính ở vai trò này, thầy đã cho ra đời Phần mềm theo dõi, kỷ luật, quản lý học sinh. Nội dung của phần mềm này là mỗi học sinh có những lỗi như: đi trễ, vắng, vô lễ với thầy cô giáo… đều được quy định bằng những điểm trừ. Từ điểm trừ của mỗi cá nhân (hoặc lớp) đó sẽ được nhập vào một sheet theo dõi, nó sẽ tự thống kê, báo số lỗi vi phạm rồi tổng kết, xếp hạng thi đua từng cá nhân (hoặc lớp) trong một tuần, một tháng hoặc một năm. Thật ra, với lĩnh vực tin học, thầy chỉ là “tay ngang” chứ chưa từng học qua trường lớp nào. Nhờ chịu khó mày mò khai thác các công cụ của Excel, đồng thời là “người trong cuộc” nắm bắt yêu cầu cụ thể công việc nhà trường nên phần mềm đầu tiên của thầy ứng dụng thành công tại Trường Nguyễn Hiền và nhiều trường khác. Thời gian này cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi công nghệ thông tin chưa phát triển, vừa dạy học vừa chạy xe ôm nên bản thân thầy vẫn chưa có khả năng trang bị cho mình một máy vi tính riêng. Thế nhưng mọi trở ngại đều phải “chào thua” người thầy giáo đầy ý chí và nghị lực này. Thầy vẫn tiếp tục vượt khó nghiên cứu, tìm tòi. Đầu năm 2003, thầy trình làng tiếp Phần mềm tính điểm, xếp hạng, xếp loại và thống kê kết quả học tập của học sinh bởi từ lâu, việc tính điểm, xếp hạng, thống kê kết quả học tập của học sinh là việc đau đầu của các thầy cô giáo. Nhờ phần mềm này mà việc tính toán của các giáo viên đã được vi tính hóa, nhanh chóng và chính xác. Về ý tưởng cho ra đời phần mềm này, thầy Bé cho biết: “Tôi muốn giúp cho chính tôi và các giáo viên bộ môn không phải tính điểm cho từng học sinh, đồng thời giúp cho giáo viên chủ nhiệm kịp thời sơ kết các kết quả của học sinh; ngoài ra còn trợ giúp các bộ phận quản lý (Ban giám hiệu, Phòng giáo vụ) theo dõi tình hình học tập của từng học sinh, từng lớp, khối, trường ở bất kỳ thời điểm nào”. Người sử dụng phần mềm, trước tiên dùng nút Auto filter để chọn lớp cần nhập điểm. Trên các dòng ngang đã có quy định loại điểm cho từng môn học (toán – lý – sinh – sử – địa…). Người sử dụng chỉ nhập điểm cho từng học sinh theo loại điểm (hệ số 1, hệ số 2, điểm thi học kỳ) vào các ô, dòng, cột quy định. Sau khi nhập dữ liệu xong cho toàn trường là đã có thể chuyển sang các sheet truy xuất để báo cáo điểm cho cả lớp, thống kê kết quả học tập của từng lớp, khối và của toàn trường”. Thầy Bé cho biết thêm: “Trong khi tiến hành, chỉ sử dụng các hàm kết nối và hàm trung gian, không sử dụng macro, dung lượng tối đa sau khi nhập dữ liệu của cả năm học nhỏ hơn 10 MB, nhưng có thể thực hiện được với những trường học lớn trên 10.000 học sinh. Ưu điểm đặc biệt của phần mềm này là khi nhập dữ liệu tới đâu thì tự động tính điểm, xếp hạng ngay đến đó. Phần mềm quản lý thời khóa biểu cũng thật sự giúp cho ban giám hiệu các trường theo dõi biểu in thời khóa biểu cho từng lớp, từng giáo viên, thống kê số tiết dạy của giáo viên một cách chính xác. Ngoài 3 phần mềm trên, tính đến nay thầy Bé còn sáng tạo ra 20 phần mềm khác như Phần mềm phân công coi thi tốt nghiệp; Phần mềm quản lý thu học phí và in biên lai thu phí; Phần mềm quản lý các loại văn bản, công văn; Phần mềm đảo đề thi trắc nghiệm các môn xã hội; Phần mềm quản lý sách thư viện; Phần mềm quản lý thu – chi tài chính; Phần mềm quản lý thi đua giáo viên… Nhờ sự đơn giản, tiện lợi và dễ sử dụng nên hiện tại tất cả các phần mềm này đã được ứng dụng trên 300 trường tại TP.HCM từ mầm non đến THPT, hệ giáo dục thường xuyên, cao đẳng… Ngoài ra, thầy còn viết những phần mềm đáp ứng theo yêu cầu trực tiếp của từng trường. Nhiều giáo viên ở các tỉnh thành như Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ngãi, Gia Lai, Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Phan Thiết… cũng rất tâm đắc với những phần mềm của thầy nên thường xuyên mời thầy trực tiếp về trường hướng dẫn cách sử dụng.
Không nhằm mục đích kinh doanh
“Ngay từ đầu, tôi đã xác định thực hiện những phần mềm chỉ là đam mê chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Vì thế, có những trường sử dụng những phần mềm của tôi miễn phí, có trường ở xa tôi lặn lội đến hướng dẫn nhưng việc bồi dưỡng tùy theo khả năng của trường chứ không bao giờ đặt điều kiện…” – Thầy Bé cho biết như thế. Thầy cũng đã viết thư gửi Chủ tịch nước, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM… bày tỏ mong muốn được hội đồng giám khảo có uy tín thẩm định, đánh giá những phần mềm này nhằm phổ biến nó rộng rãi hơn nữa đến nhiều trường trong cả nước. Vì vậy, thầy cũng đã đăng ký những sản phẩm của mình tham gia các cuộc thi Viết các môđun ứng dụng trong quản lý trường học, Nhân tài đất Việt, Ngọn nến sáng tạo… Trong công tác giảng dạy suốt 15 năm qua, thầy luôn được học trò kính trọng, đồng nghiệp yêu mến bởi bản tính hiền lành, khiêm tốn và hết lòng với công tác giảng dạy. Tương lai, thầy sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều phần mềm “độc” hơn nữa cho học đường nhưng thầy xin giữ bí mật vì tính thầy từ trước tới giờ, phần mềm nào được đưa vào sử dụng rộng rãi, có hiệu quả thầy mới công bố.
Để xây dựng một phần mềm, thầy Bé phải tốn khá nhiều thời gian suy nghĩ, trăn trở. Tuy nhiên, thầy không bao giờ bằng lòng với thực tại. Mỗi năm, thầy luôn luôn nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm của mình để đáp ứng thật tốt mọi nhu cầu của từng trường trong công tác giảng dạy. |
Song Minh
Bình luận (0)