Hội nhậpThế giới 24h

“Cha đỡ đầu AI” kêu gọi ngăn chặn máy móc kiểm soát xã hội loài người

Tạp Chí Giáo Dục

Geoffrey Hinton, một trong những người được gọi là "cha đỡ đầu của AI", đã thúc giục các chính phủ can thiệp và đảm bảo máy móc không nắm quyền kiểm soát xã hội.

Ông Hinton, 75 tuổi, từng gây chú ý vào tháng 5 khi tuyên bố rời Google sau một thập niên làm việc để "tự do lên tiếng" về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo (AI), ngay sau khi sự xuất hiện của công cụ AI ChatGPT trở thành mối quan tâm lớn trên toàn thế giới.

Nhà khoa học AI rất được kính trọng, làm việc tại Đại học Toronto, đã phát biểu trước rất nhiều khán giả tại một hội nghị công nghệ Collision ở Toronto, Canada, hôm 28.6, theo AFP. Hội nghị quy tụ hơn 30.000 nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư và nhân sự trong ngành công nghệ, hầu hết đều muốn tìm hiểu cách điều khiển làn sóng AI.

"Trước khi AI thông minh hơn chúng ta, tôi nghĩ những người phát triển nó nên được khuyến khích nỗ lực nhiều hơn để hiểu được nó có thể cố gắng chiếm đoạt quyền kiểm soát bằng cách nào", AFP dẫn lời ông Hinton nói tại hội nghị.

"Ngay bây giờ có 99 người rất thông minh đang cố gắng làm cho AI tốt hơn và một người rất thông minh đang cố gắng tìm ra cách ngăn chặn nó nắm quyền, và có thể bạn muốn trở nên cân bằng hơn", nhà khoa học người Canada gốc Anh cho biết.

Ông Hinton cảnh báo rằng những rủi ro của AI nên được xem xét một cách nghiêm túc bất chấp nhiều người chỉ trích ông cho rằng ông đang phóng đại những rủi ro này.

"Tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng đây không phải là khoa học viễn tưởng, đây không chỉ là gieo rắc nỗi sợ hãi… Đó là rủi ro thực sự mà chúng ta phải nghĩ đến, và chúng ta cần tìm ra cách đối phó trước", ông nhấn mạnh.

Ông Hinton cũng bày tỏ lo ngại rằng AI sẽ làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng, khi năng suất lớn đạt được từ việc ứng dụng sẽ mang lại lợi ích cho người giàu chứ không phải cho tầng lớp lao động.

"Của cải sẽ không đến với những người lo làm lụng. Nó sẽ khiến người giàu trở nên giàu hơn chứ không giúp người nghèo trở nên giàu có và điều đó rất tệ hại cho xã hội", ông nói thêm.

Ông cũng chỉ ra sự nguy hiểm của tin tức giả mạo do các chatbot kiểu ChatGPT tạo ra và nói rằng ông hy vọng rằng nội dung do AI tạo ra có thể được đánh dấu tương tự cách các ngân hàng trung ương làm dấu trên tiền mặt.

Liên minh Châu Âu (EU) đang xem xét một kỹ thuật như vậy trong Đạo luật AI của họ, một đạo luật sẽ đặt ra các quy định liên quan đến AI ở châu Âu, hiện đang được các nhà lập pháp thảo luận.

Ông Hinton được chú ý trên toàn cầu với công trình nghiên cứu về mạng thần kinh nhân tạo và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực "học sâu" (deep learning). Ông bắt đầu làm việc tại Google từ năm 2013 và từ chức hồi tháng 5 vì muốn lên tiếng về sự nguy hiểm của AI mà không sợ ảnh hưởng đến tập đoàn. Trong cuộc phỏng vấn với báo The New York Times khi đó, ông cũng tiết lộ "một phần trong ông hiện đang hối hận về công việc đời mình" vì những lo lắng liên quan đến AI.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS hồi tháng 3, ông Hinton cho rằng điều quan trọng là phải xem xét các nguy cơ tiềm ẩn của AI, bao gồm cả khả năng nó được dùng để gây hại, thậm chí xóa sổ loài người.

Theo Lam Vũ/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)