Cuộc họp phụ huynh học sinh (PHHS) lớp tôi chủ nhiệm thật buồn tẻ và đơn điệu. Chỉ hơn một phần ba PHHS tham dự. Người xin phép vắng mặt vì phải lo việc buôn bán; người thì điện thoại bảo không thể dự họp được vì bận đi… du lịch! Có muôn vàn lí do để không đi dự họp. Mà hầu hết những người vắng mặt là PH các em “có vấn đề” – vi phạm nội quy có hệ thống, chưa có thái độ học tập tốt…
Trong việc giáo dục HS, sự kết hợp giữa giáo viên chủ nhiệm (GVCN) và PHHS rất quan trọng. Việc tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lí, hoàn cảnh gia đình… thông qua PH sẽ giúp GVCN rất nhiều để có những biện pháp giáo dục cụ thể cho từng HS, nhất là HS cá biệt. Với đa số PHHS, chỉ cần lo cho con cái đời sống vật chất đầy đủ khi đến trường là được, còn mọi việc giáo dục con, họ giao phó cho nhà trường, nhất là GVCN. Có bao giờ họ dành khoảng 15 phút mỗi ngày để trò chuyện với con mình không? Có khi nào họ chủ động liên hệ với GVCN để hỏi xem tình hình học tập của con mình thế nào không?…
Theo điều lệ ban đại diện cha mẹ HS, trong năm học nhà trường tổ chức họp toàn thể cha mẹ HS lớp ba lần nhưng hầu như không lần nào có mặt đủ tất cả PH. Có người, suốt một bậc học của con chưa hề bước chân đến ngôi trường mà con mình đang học! Khi được nhà trường hay GVCN mời đến trao đổi về tình hình học tập của con em thì họ luôn tìm cách tránh né. Chỉ khi nhà trường có biện pháp mạnh – dọa đuổi học, hạ bậc hạnh kiểm thì mới thấy mặt PH! Thậm chí, khi GVCN đến tận nhà trao đổi lại tỏ thái độ dửng dưng, vô trách nhiệm. Tôi đã từng dự nhiều phiên họp hội đồng kỷ luật chỉ có HS vi phạm mà không hề thấy bóng dáng PH hay người giám hộ. Phải chăng, việc phối hợp với nhà trường trong công tác quản lý, giáo dục HS chỉ là cho con em mình đi học và thực hiện đầy đủ các loại quỹ theo quy định?
Xã hội hiện nay thật khắt khe với các thầy cô giáo. Khi HS gặp phải một vấn đề gì đó ảnh hưởng đến tâm lí hay thể xác thì chủ yếu mọi người quy trách nhiệm cho nhà trường. Thử hỏi, thời gian HS tham gia các hoạt động giáo dục ở trường có nhiều hơn thời gian các em ở nhà hay tham gia các hoạt động khác ngoài xã hội?
Giáo dục của gia đình là một bộ phận hữu cơ trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Ảnh hưởng của gia đình đóng góp phần không nhỏ trong việc tác động tới HS một cách trực tiếp, thường xuyên và nhiều mặt. Có bao nhiêu bậc PH hiểu được điều này để GV, nhất là GVCN khỏi phải than thầm: Ôi, phụ huynh!
Lê Tấn Thời (An Giang)
Bình luận (0)