Quyền làm chủ là quyền con người được làm việc tự lập, chủ động và được phép đưa ra quyết định của mình. Người có quyền làm chủ là có quyền chi phối một cách độc lập, tự do trong hành động và lời nói của bản thân. Trẻ con cũng có quyền tự chủ như người lớn, thể hiện ở chỗ trẻ có thể tự do lựa chọn và biểu đạt hành vi của mình trong khuôn khổ chuẩn mực cho phép.
Trẻ con cũng có quyền tự chủ như người lớn, thể hiện ở chỗ trẻ có thể tự do lựa chọn và biểu đạt hành vi của mình trong khuôn khổ chuẩn mực cho phép. Ảnh: IT
Thực tế nhìn thấy
Có không ít bậc cha mẹ cho rằng “có quyền sinh, có quyền sát”, mình đã sinh ra con thì có quyền can thiệp mọi hoạt động trong cuộc sống của trẻ và trẻ còn nhỏ, chưa hiểu hết vấn đề nên không thể đòi hỏi quyền làm chủ, tự lập. Thực tế, trẻ tuy nhỏ nhưng cũng là một cá thể độc lập, có suy nghĩ, thái độ riêng và cũng luôn muốn có quyền thể hiện quan điểm của mình. Điều đó có nghĩa là trẻ có quyền quyết định muốn làm gì và làm như thế nào, cha mẹ nên tôn trọng và đồng hành với những nhu cầu của trẻ.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy một số trẻ tuy tuổi còn nhỏ nhưng ý thức làm chủ, tự giác rất cao. Các cháu rất muốn tự lập trong nhiều tình huống. Buổi sáng, trẻ có thể tự thức dậy đúng giờ, tự vệ sinh cá nhân, tự đi học, tự đến trường, tan học tự về nhà, tự tranh thủ thời gian làm bài tập và sưu tầm thêm kiến thức để bổ sung cho bản thân mà không cần cha mẹ phải đôn đốc, nhắc nhở.
Có những biểu hiện cha mẹ chưa tôn trọng quyền làm chủ của trẻ mà vô tình hay hữu ý không ít đấng sinh thành đã không quan tâm đến. Đó là, khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể chi phối quá nhiều theo ý của người lớn yêu cầu trẻ phải thế này thế kia, đặc biệt cha mẹ bao bọc con quá nhiều, làm mọi việc thay chúng. Điều này đã khiến trẻ khó phát triển chủ kiến của mình, sống phụ thuộc, lớn lên thành người thụ động, khiếm khuyết khả năng chống lại những thách thức cuộc đời. Ngoài ra, không ít bậc phụ huynh coi con mình là niềm hy vọng, muốn thông qua chúng để thực hiện những ước muốn mà trước đây mình chưa thực hiện được hoặc mong con mình trở thành người nổi tiếng, xuất chúng, thỏa mãn lòng ham vinh danh của mình. Vậy là ngay từ khi nhỏ trẻ đã bị nhồi nhét đủ mọi vấn đề vào đầu, cha mẹ đặt ra bao kế hoạch, dự định bắt con phải nỗ lực đạt được. Trẻ đã trở thành công cụ để cha mẹ đạt được ước muốn, trẻ hầu như không có một chút quyền làm chủ nào. Ngay cả việc khoe con trên các trang mạng xã hội, suy cho cùng cũng chỉ để thỏa mãn lòng tự cao, tự đại của cha mẹ, chứ không hề quan tâm đến suy nghĩ, thái độ của con trẻ. Hệ quả mà các cháu nhận được đó chính là sự phát triển nhân cách thiếu lệch lạc, méo mó. Thậm chí, một số em vì thế mà trở nên bất hợp tác với cha mẹ, chỉ vì người lớn thiếu tôn trọng mình.
Phụ huynh cần biết
Muốn tôn trọng quyền tự lập, làm chủ của trẻ, cha mẹ cần tham khảo những cách tác động phù hợp sau:
Cha mẹ tôn trọng suy nghĩ, chính kiến của trẻ: Trước hết, cha mẹ cần xây dựng bầu không khí dân chủ, bình đẳng trong gia đình, làm bạn, lắng nghe và ghi nhận ý kiến của con đúng thời điểm, luôn tạo điều kiện phát huy tiềm năng của con. Mặt khác, cha mẹ khéo léo khích lệ, biểu dương con, nên khẳng định thành quả mà trẻ đạt được dù đó chỉ là những thành công nhỏ. Cha mẹ hãy nuôi dưỡng lòng dũng cảm, kiên cường, độc lập, tự chủ, khuyến khích con đề xuất những ý tưởng sáng tạo. Khi trẻ muốn đưa ra quyết định và thực hiện theo quyết định của mình, cha mẹ đừng nên ngăn cản mà cùng trao đổi với con để phân tích rõ điều gì nên và không nên; cha mẹ cũng chỉ ra cho con hình dung một số hậu quả mà con gặp phải nếu không nghe theo cha mẹ. Cùng con vạch ra kế hoạch hợp lý nhất. Điều này không có nghĩa là trẻ thích gì làm nấy. Cha mẹ hãy biết cách biến những yêu cầu của gia đình thành những nhu cầu của cá nhân trẻ. Chính những nhu cầu đó là động lực thúc đẩy trẻ hành động tích cực, phát huy tinh thần làm chủ tối đa cho trẻ.
Trẻ càng lớn, tư tưởng độc lập, chủ động càng tăng cao. Cha mẹ hãy tạo mọi điều kiện để trẻ được phát huy tối đa khả năng tự lập, làm chủ của mình. Khi trẻ gặp phải tình huống có thể tự mình quyết định, cha mẹ hãy ủng hộ. Khi chúng cần sự chia sẻ, hỗ trợ, cha mẹ hãy tế nhị giúp đỡ vừa giúp trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, vừa kích thích tính tự chủ, độc lập cho trẻ. |
Khơi dậy niềm hào hứng, thích thú của trẻ. Thái độ sống tích cực, lạc quan sẽ có được khi trẻ có hào hứng với công việc. Trẻ thực sự làm chủ khi chúng có hứng thú trong lĩnh vực mà bản thân sẽ thực hiện. Cha mẹ hãy khơi gợi niềm thích thú, hứng khởi cho trẻ bằng nhiều cách khác nhau. “Dục tốc bất đạt”, cha mẹ muốn con có sự hào hứng với những yêu cầu của mình, hãy kiên trì, bình tĩnh, nhẹ nhàng chỉ cho con hiểu những điều thú vị mà trẻ sắp khám phá, hãy biến những bài học khô khan của trẻ thành một thế giới sinh động mà trẻ háo hức khám phá. Giúp trẻ gặt hái những thành quả hấp dẫn từng chút một để củng cố niềm hứng thú cho trẻ ở các hoạt động tiếp theo.
Bồi dưỡng năng lực cho trẻ tính tự lập, làm chủ ngay từ khi còn nhỏ. “Uốn cây từ thuở còn non”, giáo dục trẻ cũng thế, những phẩm chất nhân cách được hình thành khi trẻ còn nhỏ sẽ giúp chúng có những thói quen bền vững. Giúp trẻ có cơ hội làm chủ bản thân, tự đưa ra quyết định sẽ giúp trẻ có được năng lực làm chủ một cách thuận lợi. Khi trẻ chập chững lớn lên, trẻ muốn tự xúc thức ăn, cha mẹ hãy để trẻ thực hiện theo ý mình, trẻ tự lựa chọn áo quần để mặc, hãy để trẻ tự học cách phối trang phục. Trẻ có quyền lựa chọn đồ chơi và không gian để chơi, tất nhiên phải đảm bảo tính an toàn và không được làm phiền đến người khác. Trong khoảng thời gian chơi đùa, trẻ được quyền tự lựa chọn, người lớn không nên làm phiền chúng và khi hết giờ chơi, cha mẹ hãy yêu cầu con chủ động, tự giác thu dọn đồ gọn gàng, cẩn thận. Hãy cho trẻ mọi cơ hội để bồi dưỡng năng lực làm chủ cho bản thân.
Cho trẻ được lớn lên một cách tự nhiên. Quá trình trẻ phát triển và hoàn thiện là một tiến trình tự nhiên về mặt sinh lý lẫn tâm lý. Trong giáo dục trẻ, cha mẹ phải thật sự nắm vững những quy luật phát triển đó. Nếu bắt buộc trẻ học quá nhiều, vượt quá sức chịu đựng của trẻ khiến chúng bị “chín ép” hoặc “lão hóa” về tinh thần. Cách làm giáo dục thiếu khoa học và phiến diện này đã làm tăng thêm áp lực và kìm hãm sự phát triển tâm lý của trẻ.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)