Thách thức hướng nghiệp là bài toán mà nhiều trường THPT “nhận diện, gọi tên” trong năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc THPT.
Học sinh vẫn còn chưa biết mình thích gì
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 12 kể, khi tư vấn cho học sinh lớp 10 chọn tổ hợp môn học, ban đầu nhiều em không biết bản thân thích gì, lại có em nói thích cả tự nhiên, xã hội… Nhiều em nay quyết định chọn như này nhưng mai lại đổi chọn khác chỉ vì muốn cùng học với bạn bè. Về phía phụ huynh lại cho rằng con mình còn quá nhỏ để phải đặt lên “bàn cân” lựa chọn ngành nghề.
“Đây là cái khó trong công tác tư vấn hướng nghiệp của các trường THPT hiện nay khi tư vấn cho phụ huynh, học sinh lớp 10 chọn đúng tổ hợp môn học lựa chọn ở năm đầu triển khai Chương trình mới. Những khó khăn này sẽ trở thành rào cản để thực hiện hiệu quả mục tiêu định hướng nghề nghiệp của Chương trình. Bởi nếu không tư vấn kỹ, học sinh sẽ chọn đại tổ hợp hoặc chọn nhưng dễ dàng đổi trong quá trình học. Do vậy, công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS những năm tới đây cần phải thực hiện sâu hơn nữa, thực chất hơn nữa, cho cả phụ huynh và học sinh để học sinh chủ động trong việc lựa chọn tổ hợp, ngành nghề ở bậc THPT”, vị này thẳng thắn.
Để Chương trình GDPT 2018 bậc THPT đạt hiệu quả thì học sinh phải được hướng nghiệp bài bản từ cấp THCS
Thầy Ngô Hùng Cường – Phó hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ ngay từ đầu, đa phần học sinh chưa thực sự hiểu mình thích lĩnh vực nào, mong muốn theo đuổi ngành nghề nào để quyết định được tổ hợp lựa chọn.
“Trước khi tuyển sinh, nhà trường đã tổ chức khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của học sinh khối 9 ở nhiều trường THCS để nắm bắt nguyện vọng học tập theo các tổ hợp môn học lựa chọn. Cùng với đó, trường làm khảo sát với học sinh lớp 10 đang học tại trường về nhu cầu này. Kết quả khảo sát, đa phần học sinh lớp 9 mong muốn học khối xã hội còn học sinh lớp 10 đang học tại trường thì có nguyện vọng ngược lại, thiên về khối khoa học tự nhiên nhiều hơn. Điều này có nghĩa là học sinh khối 9 bước đầu các em vẫn còn lựa chọn tổ hợp theo cảm tính”, thầy Cường nói.
Phó hiệu trưởng này khẳng định, việc chọn đúng tổ hợp môn học lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích ngành nghề được xem là bước sàng lọc đầu tiên và quan trọng nhất trong hành trình 3 năm THPT của học sinh trong Chương trình GDPT 2018. Do vậy, đây là thử thách không chỉ cho phụ huynh, học sinh mà còn là trọng trách của mỗi thầy cô, nhà trường.
“Nếu chọn đúng, học sinh sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời, có động lực học tập để thực hiện ước mơ của mình. Để các em chọn đúng, ngoài vai trò tư vấn của giáo viên, nhà trường THPT thì quan trọng hơn cả vẫn là tính hướng nghiệp ở các bậc học dưới, đặc biệt là bậc THCS, giúp các em có kiến thức cơ bản về các ngành nghề, nhận biết được lợi thế của bản thân…”, thầy Cường nhấn mạnh.
“Nâng chất” hướng nghiệp từ bậc THCS
Ông Trần Nguyên Thục (Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật quận 12, TPHCM) nhìn nhận, để giai đoạn định hướng nghề nghiệp trong Chương trình GDPT 2018 thực sự hiệu quả thì sau THCS, học sinh phải được trang bị các kiến thức nền tảng, cơ bản về ngành nghề, hiểu và biết được năng lực của bản thân để các em quyết định tiếp tục học THPT hay chủ động rẽ sang các hướng học khác.
“Để định hướng nghề nghiệp đúng thì học sinh phải biết được năng lực, tố chất của mình và các ngành nghề mà bản thân có xu hướng theo đuổi. Nhiều năm nay, công tác hướng nghiệp sau THCS đã có nhiều khởi sắc khi một bộ phận phụ huynh học sinh đã chủ động lựa chọn hướng học nghề ngay sau THCS với những nhìn nhận đúng đắn nhất. Thế nhưng, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, công tác này phải được “nâng chất” hơn nữa, phải làm từ sớm, không chỉ hướng nghiệp học sinh mà phụ huynh cũng cần được hướng nghiệp, đội ngũ giáo viên tư vấn hướng nghiệp phải bài bản và chuyên sâu hơn nữa…”, ông Thục chia sẻ.
Công tác hướng nghiệp phải tăng cường tính trải nghiệm cho học sinh, hướng nghiệp cho cả phụ huynh
Trong câu chuyện chọn tổ hợp môn lựa chọn ở nhóm môn học lựa chọn ở lớp 10, cô Bùi Minh Tâm – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) cho rằng, quan trọng nhất là học sinh phải nhìn nhận đúng được năng lực của bản thân để chọn tổ hợp môn học lựa chọn phù hợp. Hạn chế thấp nhất trường hợp chuyển đổi nguyện vọng trong quá trình học tập ảnh hưởng đến việc học và tâm lý, ngành nghề lựa chọn sau này của học sinh.
“Thắc mắc lớn nhất của phụ huynh trong năm đầu triển khai là làm thế nào giúp con họ biết được bản thân phù hợp với ngành nghề nào, có tố chất ở lĩnh vực nào khi con còn quá nhỏ, chưa biết bản thân muốn gì, thích gì. Muốn xác định được điều này, ngoài vai trò phụ huynh cần đồng hành với quá trình học tập của con ở bậc THCS, xem con có thiên hướng đối với những môn học nào, có tố chất ở ngành nghề nào thì vai trò hướng nghiệp của trường THPT, THCS cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là công tác hướng nghiệp ở bậc THCS phải tròn vai hơn nữa, bài bản hơn nữa, giúp học sinh được trải nghiệm nhiều, nhận diện đúng được bản thân…”, cô Tâm nêu rõ.
Theo Quốc Trung/PNO
Bình luận (0)