Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cha mẹ dạy gì cho con?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Chuyện dạy dỗ kiến thức lâu nay vẫn mặc định thuộc về thầy cô, cha mẹ chỉ cần yêu thương con là đủ.
Cha mẹ dạy con từ chính những hành vi, ứng xử của họ trong cuộc sống /// Ảnh: Ngọc Dương

Cha mẹ dạy con từ chính những hành vi, ứng xử của họ trong cuộc sống. Ảnh Ngọc Dương

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các bậc phụ huynh chắc chắn phải trở thành “người thầy” của con, bên cạnh giáo viên ở trường học.
Nhưng, nếu không phải lo chuyện học hành cho con cái, cha mẹ sẽ còn rất nhiều thứ có thể thay thầy cô truyền thụ cho con mình.
Dạy con sự tử tế bằng chính việc làm của cha mẹ
Tôi muốn các con thực hành về mọi điều trong cuộc sống thông qua bố mẹ chúng. Từ tích cực như cách mà chúng ta chăm sóc người già đến ít tích cực như học từ chính những thất bại của cha mẹ. Bảo ít tích cực là bởi dạy con từ những thất bại của cha mẹ luôn khiến trẻ hiểu sai về cuộc sống nếu chính chúng ta cũng lầm lẫn về nguyên do của sự thất bại, hoặc cảm xúc của chúng ta về sự thất bại đó lớn hơn bản chất của sự thất bại. Nhưng chúng cũng vẫn là thứ “giáo trình” tốt để chia sẻ với các con mình.
Mọi người vẫn hay nói: Muốn con mai này thành người tử tế và có ích cho xã hội. Nó giống một câu cửa miệng nhiều hơn khi chính chúng ta, trong một xã hội quá nhiều thông tin mà lại quá ít thời gian để lọc. Chưa kể sự tử tế, cái có ích đôi khi thật khó đánh giá. Như một ai đó vừa làm từ thiện một khoản lớn, vừa có những việc làm tốt lành nhưng mấy hôm sau chúng ta đã lại thấy họ đứng trước vành móng ngựa. Như một sự việc nào đó được phản biện xã hội rằng nó là sự lãng phí, ngớ ngẩn, rỗi hơi… nhưng chỉ dăm hôm sau chúng ta sẽ lại thấy cả xã hội quanh chúng ta rầm rộ lời khen dành cho chính sự việc đó.
Thế nên dạy con trở thành người tử tế và có ích cho xã hội đôi khi giống một bài văn mẫu vậy. Nhất là với trẻ cái gì cũng cần ví dụ minh họa chứ không phải là phân tích rườm rà. Chúng ta biết lấy ví dụ nào để minh họa? Không lẽ lúc nào cũng là chính chúng ta? Ít mẫu so sánh sẽ khiến những lý thuyết, chỉ dẫn của bạn trở thành áp đặt nhiều hơn.
Vậy nên tôi thôi muốn con mai này thành người tử tế và có ích cho xã hội nữa. Tôi muốn dạy con nhiều về nhân – quả cuộc đời, về cho và nhận, về việc không có hạt mưa nào không phải chịu trách nhiệm về một cơn lũ. Tôi muốn dạy con về trách nhiệm. Có vẻ như lâu rồi, nhiều cha mẹ cũng quên việc này khi mà chính họ cũng đang quên mất đi trách nhiệm của mình mà chỉ nghĩ về nghĩa vụ. Tôi vẫn hay nói rằng: Nghĩa vụ là nấu một bữa cơm đủ cho tất cả mọi người có mặt đều phải được ăn no. Nhưng trách nhiệm là bữa cơm đó khiến người ăn phải thấy hạnh phúc, phải biết ơn người nấu, phải nhớ mãi và muốn được ăn thêm nhiều bữa nữa. Là thứ tạo nên giá trị chứ không phải là thứ chỉ mang tính trị giá. Chỉ có điều, trong một cuộc sống bận rộn này, chúng ta không mấy ai còn muốn làm điều đó, dù đều ý thức về điều đó.
Trưởng thành cùng con
Cha mẹ dạy con mình điều gì nữa khi mà kho tàng ca dao – tục ngữ, lời dạy của người xưa hay kinh nghiệm của cha ông có nhiều điều đã chẳng còn phù hợp với cách mạng 4.0 hôm nay? Ấy vậy mà vẫn có nhiều cha mẹ lấy quá khứ ngày xưa, lấy chuẩn mực một cân, một thạch, một đấu, một vốc để đo lường hiện tại. Tôi những muốn dạy con về tương lai. Là một tương lai bắt đầu từ nguồn gốc của nó trong quá khứ.
Tôi còn muốn dạy con nhiều điều. Nhưng không phải là chuyện để con trở thành điều gì lớn lao mai này. Mà đôi khi chỉ là con biết cách đứng dậy khi vấp ngã. Biết thấy cơn mưa mù kia không thể ngăn trở ngày nắng rực rỡ sau đó. Biết rằng cha mẹ cũng đang trưởng thành cùng con chứ không thay con trưởng thành. Sinh ra một đứa con, nuôi chúng ăn học để thành người vốn chẳng phải để mai này dựa cậy, có con cái phụng dưỡng đâu. Tôi vẫn đùa với các con rằng: Tính thời gian cha mẹ nuôi con, cho các con ăn học, cầy cuốc kiếm tiền cùng lắm chỉ đến năm các con 22 tuổi, 24 tuổi. Chỉ 22 – 24 năm trong khi bắt các con nuôi bố mẹ, phụng dưỡng cho bố mẹ thì số năm có thể còn nhiều hơn, gấp đôi số năm bố mẹ đã nuôi các con. Vậy thì sinh con ra vốn là đầu tư vào một sản phẩm lãi quá đi chứ. Thế nên đừng cha mẹ nào có quan điểm là “Tao nuôi mày ăn học đến giờ là tao đã hy sinh quá nhiều” hay “Chẳng biết có nên cơm cháo gì không”… Con cái nào phải khoản đầu tư của cha mẹ?
Cuối cùng, tôi vẫn nghĩ việc chúng ta dạy con chúng ta điều gì vốn chẳng phải điều quan trọng. Mà chính là chúng ta đã trở thành cha mẹ – con cái với nhau, chúng ta là một gia đình. Nghĩ về hai chữ Gia Đình sẽ khiến chúng ta biết chúng ta phải làm gì cho nhau, vì nhau. Con bạn có biết ý nghĩa của gia đình chưa?
Hoàng Anh Tú/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)