Phụ huynh và con cái tham gia một lớp học kỹ năng mềm. Ảnh: K.Đan
|
Hiện nay tại TP.HCM, các lớp học kỹ năng mềm dạy dỗ con cái được mở ra rất nhiều, có đông phụ huynh tham gia. Cho dù học phí của các lớp học này không… mềm chút nào.
“Đôi khi tôi không hiểu được”
Đó là lí giải của rất nhiều phụ huynh khi được hỏi động lực để tham gia những lớp học này. Xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng nâng cao cùng với sự bùng nổ của thế giới số khiến cho các bậc phụ huynh thấy con mình lớn nhanh hơn. Nhiều phụ huynh cho biết: Cha mẹ là người có kinh nghiệm và vốn sống nhất định, vậy mà con cái khi mở miệng ra là “mẹ không hiểu gì con hết, cha không biết gì hết…”.
Chị Thu Hạnh làm nhân viên văn phòng ở quận Gò Vấp (TP.HCM) không ngại đường xa cố gắng đăng ký tham gia một lớp học dạy con lúc 18 giờ tại một trung tâm văn hóa ở quận 1. Chị cho biết trước giờ ở nhà chỉ dạy con theo kiểu “con không nên làm cái này, không nên làm cái kia” như ông bà, cha mẹ đã từng dạy chị. Khi con không nghe lời, nếu nhẹ thì mắng, còn nặng thì dùng roi vọt. “Ngày xưa ông bà, cha mẹ nói cái gì xấu không được làm là con cái, cháu chắt sẽ không làm. Còn giờ tụi nhỏ đâu chịu để yên mà hỏi lại không tốt như thế nào hả mẹ? Tại sao con không được làm việc đó?… Hỏi riết tôi nổi cáu mắng con luôn vì cái tội trả treo, cãi người lớn”, chị Thu Hạnh nói.
Trong khi đó, chị Huỳnh Như ở quận Bình Thạnh có hai cô con gái đang tuổi dậy thì 12 tuổi và 14 tuổi khiến chị không khỏi lo lắng. Chị cho biết hàng ngày chị “soi” con rất kỹ, cấm con không được mặc hở hang khi ra ngoài. Nếu con không nghe lời thì mắng, đánh rồi khóa cửa nhốt luôn trong nhà. Chị thật sự lo lắng và hoang mang bởi biết không thể cấm con mãi được (muốn cấm cũng không được). “Tôi rất muốn nói cho các con hiểu về giới tính, về tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì để giúp các con tự bảo vệ mình sao cho an toàn nhưng lại sợ “vẽ đường cho hươu chạy””, chị Huỳnh Như chia sẻ.
“Đôi khi tôi không hiểu được bọn trẻ nghĩ gì? Con cái bây giờ khác nhiều so với thời tôi trước đây. Chúng biết rung rinh (yêu) quá sớm. Mới học lớp 6 mà tôi đã bắt được “thư tình” trong cặp con. Ngày tôi bằng tuổi các con bây giờ vẫn còn rất vô tư, hay quàng vai bá cổ các bạn trai đi chơi mà chẳng ai nghĩ gì, giờ tụi nó làm vậy là cha mẹ nghi lắm”, chị Huỳnh Như bày tỏ.
Nhiều chị trong lớp cảm thấy không yên tâm nên đã “dụ dỗ” cả chồng cùng đi… học. Cũng có người tỏ ra rất hài hước, hóm hỉnh nhưng cũng có người giấu đi sự chán nản qua những tiếng thở dài hoặc ngáp ngủ. Thực tế các ông chồng không hứng thú lắm và cho đây là chuyện… tào lao. Tuy nhiên, các anh không dám cãi lời vợ vì… đi học không bổ dọc cũng bổ ngang, có thêm kiến thức để dạy dỗ con cái.
Được biết, học phí của các lớp học này không hề rẻ chút nào. Mức phí một ngày học của cả mẹ và con có thể là 5 triệu đồng.
Thực tế khác hơn nhiều
Thực tế không như những tình huống lý thuyết mà các chuyên gia trao đổi, bởi người lớn khó lường trước được trẻ sẽ nói gì và hành động như thế nào. Độ bướng lì của trẻ ngoài đời còn “dữ dội” hơn nhiều tình huống giả thuyết được đưa ra. Không thích là trẻ trở nên trơ lì, không nghe không thấy, ai làm gì cũng mặc kệ; vậy nên rất khó khăn cho cha mẹ trong việc khuyên bảo, răn đe. Cha mẹ càng bình tĩnh thì con cái lại càng ương bướng, thách thức khiến cha mẹ cũng khó kìm lòng được. Thế là “chiến tranh” giữa con và cha mẹ bùng nổ, những bài học trên lớp “đổ sông đổ biển”.
Một chuyên gia trong lĩnh vực này – chị Ái Liên (Giám đốc Trung tâm Bạn của bé) – cho biết hiện những biện pháp mạnh như dùng vũ lực, roi vọt đã không còn phù hợp với trẻ mà thay vào đó là phải kiên nhẫn lắng nghe, giải thích, hướng dẫn những sai phạm của trẻ.
Chị Ái Liên chia sẻ: “Giữa việc học và thực hành rất khó với phụ huynh bởi nhiều lý do. Thứ nhất, trong lớp mọi người nói quá nhiều, ít lắng nghe. Thứ hai, phụ huynh không có nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Thứ ba, phụ huynh đã hy vọng rất nhiều nhưng con cái thì không thực hiện theo lời cha mẹ nói, do đó mọi thứ trở về vị trí ban đầu”. Theo chị Ái Liên, điều cốt lõi giữa con cái và cha mẹ đó là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con và lòng tôn trọng của con dành cho cha mẹ. Vậy nên, dù có tham gia học các lớp kỹ năng mềm dạy dỗ con cái thì phụ huynh cũng phải biết “liệu cơm gắp mắm”, đừng để mất tiền đi học mà “con hư vẫn hư”, cha mẹ bất lực. Hơn ai hết, ở cái tuổi “dở nắng, dở mưa” thích được chứng tỏ, thích được chú ý thì cha mẹ chỉ cần lắng nghe, cảm thông và chia sẻ là được.
“Thực ra thế giới trẻ không phức tạp như cha mẹ vẫn nghĩ. Có chăng là cha mẹ làm phức tạp lên rồi áp đặt vào con dẫn đến tự làm khó mình”, chị Ái Liên nói.
Khánh Đan
Tham gia các lớp học kỹ năng mềm dạy dỗ con cái không chỉ có phụ huynh mà còn có cả trẻ nhỏ. Cha mẹ vừa học vừa thực hành chơi với con – trẻ có thêm bạn chơi nên dạn dĩ hơn – lợi cả đôi đường. |
Bình luận (0)