Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cha mẹ hãy lắng nghe…

Tạp Chí Giáo Dục

Thống kê cho thấy tỉ lệ mắc trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Ở lứa tuổi vị thành niên, tỉ lệ này dao động từ 5% đến 8% và phổ biến hơn ở trẻ sau tuổi dậy thì.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết, Khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Trầm cảm điển hình thường được biểu hiện bằng giảm tập trung chú ý, giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay hứng thú cũ, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động kéo dài ít nhất 2 tuần. Thường đi kèm thêm các biểu hiện như buồn chán hầu như cả ngày, cảm giác tự ti, không xứng đáng, nhìn tương lai ảm đạm và bi quan, có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, suy nghĩ về cái chết hoặc các hành vi tự sát,… rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon hoặc ăn nhiều”.

Cha mẹ hãy lắng nghe... ảnh 1

Lắng nghe con trẻ nhiều hơn ảnh: Như Ý

TS Ngô Anh Vinh, Phó khoa Sức khoẻ Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, ở tuổi vị thành niên, song song với việc phát triển thể chất, trẻ sẽ có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lí. “Trong giai đoạn này, sự phát triển cái “tôi” ở trẻ sẽ khiến con có xu hướng cần cha mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và những quyết định của mình hơn. Cha mẹ nên tập cho con kĩ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp, giúp đỡ con giải tỏa những lo âu, thay đổi những suy nghĩ lệch lạc của con”, TS Vinh nhấn mạnh.

Cùng với đó các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cha mẹ nên biết nguyện vọng của con như thế nào, để hướng cho con đi đúng theo sở thích, đam mê của con. TS Vinh bày tỏ quan điểm: “Đừng cố áp đặt con theo mong muốn của cha mẹ. Đặc biệt, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ. Thay vào đó hãy động viên, đừng nên phán xét những lỗi sai, những mục tiêu, cố gắng mà trẻ đang hướng đến”.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần chia sẻ, trên 98% người muốn tự sát bị rối loạn tâm thần. “Một trường hợp tự sát ảnh hưởng ít nhất đến 6 người khác. Chúng ta phải kết hợp đa ngành, đa nghề, đa chuyên khoa để chia sẻ, hỗ trợ cho bệnh nhân. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Sự quan tâm của gia đình, nhà trường và bạn bè là chìa khóa giúp các bệnh nhân vượt qua những vấn đề về tâm lí”, TS Tuấn nói.

TS Vinh chia sẻ ông từng gặp nhiều trường hợp cha mẹ luôn coi mình là đúng, không biết động viên mà lại áp đặt cho con mình, ví dụ như con muốn thử làm một trải nghiệm mới nhưng thay vì khích lệ người cha lại nói “không thành công đâu, làm làm gì mất thời gian, con tập trung học đi”, hay khi con muốn tập thể thao để giảm cân thì lại nhận được phản hồi của cha mẹ “không giảm được đâu, đừng mất thời gian”. “Những điều này làm trẻ hụt hẫng, không cảm nhận được sự tin tưởng, đồng cảm và thấu hiểu từ gia đình. Đây là điều rất không tốt cho sự phát triển của trẻ. Các bố mẹ hãy lắng nghe trẻ nhiều hơn”, TSVinh nói.

Theo các chuyên gia, bên cạnh gia đình thì nhà trường cũng cần tạo cho trẻ môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên. Các trường học nên có phòng tư vấn tâm lí để kịp thời nắm bắt, tư vấn, giúp đỡ trẻ vị thành niên khi các em gặp vướng mắc trong cuộc sống. “Mặc dù nguyên nhân của tự tử rất đa dạng nhưng đa số các vụ tự tử có thể đề phòng được với các biện pháp theo dõi quan sát tế nhị và sát sao, xử lí thích đáng và kịp thời”, TS Vinh chia sẻ.

Những dấu hiệu cảnh báo

Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết thông tin, các biểu hiện trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên khá đa dạng và không điển hình. Các biểu hiện chung thường gặp là tâm trạng cáu kỉnh hoặc thất thường (gắt gỏng, thù địch, dễ nổi cáu bộc phát…); giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây (ví dụ: bỏ các hoạt động thể thao, âm nhạc, vẽ,..); không muốn đi ra ngoài, rút lui xã hội, không tham gia các hoạt động trên lớp hoặc không còn muốn đi chơi với bạn bè; né tránh việc đi học; suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên. Trẻ luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng. Thậm chí trẻ để lại những lời nhắn nhủ với bạn bè, mọi người qua mạng xã hội, thư, nhật kí với lời chào vĩnh biệt. Có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự tử như: tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây, dao sắc nhọn…

Theo Hà Minh/TPO

 

Bình luận (0)