Dù bị tấn công về thể xác hay tinh thần đều ảnh hưởng đến trẻ em, nhất là những em trong độ tuổi tiểu học, THCS. Ảnh hưởng này không dễ nguôi ngoai mà trở nên dai dẳng, thậm chí theo các em cả đời. Việc cha mẹ, thầy cô yêu thương, quan tâm và chia sẻ với trẻ sẽ hạn chế tình trạng bạo lực, giúp các em có tuổi thơ trọn vẹn và trở thành những công dân có ích cho đất nước.
Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy (cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) trao đổi với học sinh về cách bảo vệ bản thân
Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại tọa đàm “Chung tay đẩy lùi bạo hành, xâm hại trẻ em” do Hội đồng Đội TP.HCM cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức mới đây.
Gia đình phải là chỗ dựa, là nơi yêu thương trẻ
Dù đã được tuyên truyền rộng rãi về tác hại của việc bạo hành, xâm hại trẻ em nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Em Lê Giang (học sinh Trường THCS Bạch Đằng, Q.3) chia sẻ: “Do áp lực từ công việc và ngoài xã hội, về nhà cha mẹ thấy con làm việc gì đó không hài lòng liền nổi nóng, la mắng, thậm chí dùng đòn roi. Cha mẹ cho rằng đây là cách để dạy dỗ, giáo dục con giống như câu nói “thương cho roi cho vọt” nhưng thực ra là bạo hành và vô tình khiến con nghĩ cha mẹ không yêu thương, quan tâm mình. Sự trút giận của cha mẹ đã gây ra những thiệt thòi cho con mà cha mẹ không hề hay biết”. Một học sinh khác bày tỏ, gia đình là chỗ dựa, là nơi để được yêu thương, chia sẻ. Tuy nhiên, cha mẹ lại vô tình dùng đòn roi, bạo lực xem như là cách dạy dỗ có thể khiến cho con suy sụp tinh thần, bị trầm cảm ảnh hưởng đến tuổi thơ cũng như kết quả học tập. “Chúng em mong cha mẹ đừng dùng đòn roi, chửi mắng để dạy chúng em mà hãy chia sẻ, quan tâm. Như vậy chúng em sẽ biết ơn cha mẹ vì giúp chúng em biết sửa sai đúng cách mà không cảm thấy bị bỏ rơi, lạc lõng ngay chính trong ngôi nhà của mình”, em học sinh nói. Trong khi đó, em Hoàng Loan (học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân, Q.Tân Phú) cho rằng nhà trường, Đoàn – Đội cần tổ chức những tọa đàm, chương trình tập huấn để học sinh có kiến thức bảo vệ bản thân. Đồng thời giúp phụ huynh hiểu và giáo dục con đúng cách. Tương tự, em Khánh Vân (học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1) mong muốn nhà trường tạo điều kiện để học sinh được tiếp cận các giải pháp để ứng phó khi bị bạo lực. Ngoài ra, các tổ chức liên quan và chuyên gia nên thường xuyên livestream trên mạng xã hội như diễn đàn để những nạn nhân bị bạo hành có thể chia sẻ vấn đề mà mình đang gặp phải, được can thiệp kịp thời, hạn chế bị dồn nén lâu ngày dẫn đến những biểu hiện về tinh thần. Từ kênh này, phụ huynh có thể lắng nghe lời khuyên để giáo dục con đúng cách.
Bảo vệ bản thân đến cùng
Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A khẳng định, dù bị bạo lực về thể xác hay tinh thần đều ảnh hưởng đến trẻ em. Việc bạo hành từ chính gia đình đôi khi không phải là sự cố ý mà do cha mẹ yêu thương con chưa đúng cách. Cha mẹ nghĩ, con cái ai mà không thương. Nhiều lúc họ dùng roi đánh con nhưng trong lòng cũng đau đớn không kém. Với họ, đó là cách dạy dỗ, giáo dục con nên người. Tuy nhiên, họ lại quên rằng ngày nay trẻ em rất nhạy cảm, chỉ hành động chửi, mắng cũng khiến các em buồn, tủi thân nghĩ cha mẹ ghét bỏ, không yêu thương. Phụ huynh phải hiểu, mình thương con nhưng bạo hành là hành động không đúng. Hành động đòn roi khiến tay, chân bị bầm nhưng vài ngày sẽ hết, còn về tinh thần khó ai có thể thấy được, có thể theo con dai dẳng cả đời.
Các em học sinh xem triển lãm tranh “Những điều không được làm với trẻ em”
Theo thống kê, có đến khoảng 70% trẻ em bị bạo lực từ chính gia đình. Lý giải điều này, bà Nhi A cho rằng do phụ huynh thiếu kiến thức, kỹ năng dạy con trước khi bước vào đời sống gia đình. “Việc cha mẹ dùng bạo lực không chỉ không dạy được con mà còn làm mất kết nối giữa cha mẹ và con cái, khiến con cảm thấy sợ hãi, xa lánh, không dám chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Đó cũng là lý do những em bị bạo hành từ xã hội không dám nói với gia đình”, bà Nhi A cho biết.
Cách ứng phó các tình huống nguy hiểm với trẻ em hiện nay Theo Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy: Để tránh bị xâm hại, tấn công, trẻ em cần trang bị một số kỹ năng. Đầu tiên là bỏ chạy. Các em thấy có người tấn công, xâm hại không nên chống cự mà phải tìm cách bỏ chạy. Chạy ở đây không phải chạy từ điểm A đến điểm B mà cần chạy có chiến thuật. Các em chạy vào chướng ngại vật như bàn, ghế, xe… để cản trở đối tượng. Thứ hai, thay cụm từ “cảnh giác” thành “phát hiện, xóa bỏ điều kiện phạm tội”. Nghĩa là không phải lúc nào các em cũng trong trạng thái nơm nớp lo sợ, cảnh giác mà cần làm sao để kẻ xấu không có cơ hội xâm hại. Cụ thể, các em không nên đến những nơi nguy hiểm, nếu lỡ đến nơi mà mình thấy không an toàn, các em phải nhanh chóng di chuyển đến nơi khác hoặc nhờ người lớn hỗ trợ. |
Về phía đối tượng bị bạo hành, bà Nhi A khuyên, khi bị bạo hành hay cha mẹ dạy không đúng cách, các em nên chủ động chia sẻ tâm tư của mình với cha mẹ. Nhiều khi chỉ một lời chia sẻ đó cũng có thể làm cha mẹ “thức tỉnh” nhìn lại hành động của mình. Nếu đã bày tỏ hết nỗi lòng mà cha mẹ vẫn không thay đổi, các em vẫn còn nhà trường, thầy cô can thiệp. Bên cạnh đó, các em cũng còn các chuyên gia, đường dây nóng… Các em phải nỗ lực bảo vệ bản thân đến cùng, không để bất cứ ai làm mình bị tổn thương. Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy (cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) cho biết, thời gian qua dù truyền thông rất nhiều nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra. Việc này chúng ta cần nhìn lại phương pháp truyền thông, tuyên truyền sao cho đạt hiệu quả. “Chúng tôi đã chủ động đề ra chương trình “Người gieo mầm xanh bình an cho trẻ em” với cách tuyên truyền sinh động, dễ hiểu nhất giúp các em rút ra được những kỹ năng cần thiết. Trẻ em có sức chống cự yếu nên càng chống cự càng gia tăng mức độ nguy hiểm cho các em. Vậy nên, chúng ta cần cho các em “sức đề kháng” để ứng phó với những tình huống nguy hiểm”, Trung tá Minh Huy nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)