Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ bắt đầu được dạy bảo, uốn nắn từ môi trường gia đình

Nhân cách hình thành thông qua sự tác động của yếu tố sinh học và yếu tố môi trường. Yếu tố môi trường là điều kiện xã hội mà con người đang sống; là yếu tố giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội tác động hàng ngày đến con người.
Trong các yếu tố đó, giáo dục gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Các thành viên trong gia đình có mối quan hệ mật thiết, quan tâm và hy sinh vì nhau suốt cả cuộc đời. Vì vậy tác động của giáo dục gia đình đến con cái rất sâu sắc.
1. Phương pháp giáo dục của mỗi gia đình để lại dấu ấn trong nhân cách khá rõ nét bởi cha mẹ không chỉ nuôi mà còn dạy con nên người; giúp đỡ, tạo điều kiện và phối hợp cùng nhà trường giáo dục con em mình.
Trong giai đoạn tuổi ấu thơ mọi lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, cách cư xử của trẻ đều học theo người lớn trong nhà, trẻ được dạy bảo uốn nắn từ chính môi trường gia đình. Cha mẹ sẽ là người thầy đầu tiên của trẻ, dạy cho trẻ những bước đi đầu tiên, ý niệm sơ khai về mối quan hệ của trẻ với các thành viên khác trong gia đình, điều gì được khuyến khích và những gì không được làm, từ đó hình thành ý niệm về cách cư xử. Nhiều gia đình rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và đã thành công trong lĩnh vực nuôi dạy con cái, song cũng có không ít gia đình còn thiếu sót trong cách giáo dục con. Giữa cha mẹ có sự khác nhau về quan niệm và cách giáo dục con cái. Nhiều bậc cha mẹ quá nghiêm khắc, không quan tâm đến nhu cầu được vui chơi, kết bạn của con em mình; còn nhiều trường hợp quá dễ dãi nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu, ý thích của trẻ kể cả những sở thích không phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Nếu cha mẹ quá khắt khe, luôn yêu cầu con cái thực hiện mọi việc theo ý mình sẽ khiến trẻ thiếu tự tin, trở nên yếu đuối, thụ động, lệ thuộc hoặc nảy sinh tư tưởng chống đối vì bị cấm đoán mà không được giải thích.
Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ lại quá kỳ vọng vào con cái, khi thấy kết quả học tập, khả năng tư duy, giao tiếp… không được như mong muốn thì tỏ ra thất vọng, tìm cách bắt trẻ học thêm với lịch học dày đặc; khi bị áp lực quá mức sẽ khiến trẻ thiếu tự tin vào bản thân, suốt ngày chỉ biết học không dám dành thời gian vui chơi giải trí; khi trẻ quá căng thẳng việc học tập sẽ kém hiệu quả, sức khỏe thể chất và tinh thần đều bị ảnh hưởng. Nhiều trẻ rơi vào trạng thái lo lắng thái quá dẫn đến mệt mỏi thường xuyên, và trở nên trầm cảm vì cảm giác không xứng đáng. Vì vậy cha mẹ cần có những kiến thức về nuôi dạy trẻ, đánh giá đúng về thể chất và trí tuệ của con em mình, tránh áp đặt quan điểm của người lớn và đòi hỏi thái quá vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.
2. Giáo dục gia đình cần dựa trên tình cảm yêu thương và sự nghiêm khắc của cha mẹ. Yêu thương là thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy lời ăn tiếng nói, việc học hành, luôn mong mỏi cho con được an toàn, hạnh phúc. Còn nghiêm khắc là thương nhưng không thái quá, không nuông chiều những đòi hỏi thiếu lành mạnh của con. Chính sự nghiêm khắc ấy là cần thiết, là giới hạn để trẻ biết được những gì nên và không nên làm, vì vậy ông bà ta xưa có câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, hay hình ảnh thầy đồ với cây roi để rèn học trò song sự rèn giũa, dạy bảo ấy đã giáo dục nên bao nhiêu con người có ích, vì vậy bao thế hệ học trò mãi kính trọng sự nghiêm khắc của thầy đồ. Sự nghiêm khắc này bắt nguồn từ tình yêu thương, là cần thiết, chứ không phải là sự trừng phạt, ngược đãi đến tinh thần, thể chất con người. Nếu cha mẹ chỉ yêu thương mà không nghiêm khắc với con sẽ làm cho trẻ hư, vòi vĩnh những điều không lành mạnh, không hiểu được bổn phận của con cái, sẽ nảy sinh những đòi hỏi thái quá mà điều kiện của cha mẹ không thể đáp ứng. Ngược lại, sự nuông chiều, bảo bọc thái quá sẽ khiến trẻ yếu đuối, thiếu tự lập, chỉ muốn dựa dẫm vào người khác.
Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc sẽ dẫn đến khắt khe với con cái, không thể hiện sự quan tâm, tình cảm với con. Từ đó quan hệ cha mẹ và con cái trở nên xa cách, trẻ cảm thấy thiếu tình thương, đời sống tinh thần không cân bằng do không dám sẻ chia những băn khoăn, lo lắng, buồn vui trong cuộc sống với cha mẹ – những người lẽ ra phải dành tình yêu thương cho chúng nhiều nhất.
Vì vậy sự quan tâm, dạy bảo của cha mẹ đối với con cái là vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ cùng nhà trường và xã hội hình thành nhân cách con người. Cha mẹ cần nghiêm khắc mà không khắt khe, quan tâm yêu thương con song không biến con thành đứa trẻ nhút nhát, yếu đuối; cần kết hợp yêu cầu cao và tôn trọng nhân cách con trẻ.
3. Giáo dục gia đình phụ thuộc vào bầu không khí tâm lý, chuẩn mực đạo đức, cách sinh hoạt, lối sống của các thành viên trong gia đình. Vì vậy gia phong hay nếp nhà là nét văn hóa được các gia đình Việt Nam luôn coi trọng, giữ gìn. Cha mẹ mẫu mực mới mong có con thảo hiền. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò, trách nhiệm, ảnh hưởng của mình đến việc giáo dục con, phải là tấm gương sáng trên mọi phương diện để con cái học tập.
Phạm Thị Ngần (giảng viên tâm lý học)
Cha mẹ quá khắt khe, luôn yêu cầu con cái thực hiện mọi việc theo ý mình sẽ khiến trẻ thiếu tự tin, trở nên yếu đuối, thụ động hoặc nảy sinh tư tưởng chống đối vì bị cấm đoán mà không được giải thích.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)