Nhà giáo Lê Thị Hồng Liên trước khi đi B2 |
Là một cán bộ miền Bắc có mặt ngay trong những ngày đầu miền Nam giải phóng, cô đã góp công sức không nhỏ cho ngành giáo dục TP.HCM trong hơn 30 năm qua. Không chỉ làm tròn việc chung, cô còn là người mẹ mẫu mực trong việc giáo dục và dạy dỗ con cái. Cô là nhà giáo Lê Thị Hồng Liên – nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.
1. Năm 1974, khi biết tin cô giáo Lê Thị Hồng Liên chuẩn bị lên đường đi B2 vào Nam, không ít bạn bè và giáo viên ở Trường cấp 3 Tứ Hiệp (Hà Nội) lấy làm lạ. Nhìn dáng người mảnh mai, yếu ớt của Hồng Liên mọi người lo lắng không biết cô có vượt qua được những thử thách ở Trường Sơn hay không. Có những người thắc mắc tại sao Liên có người bố làm chức to ở Ban Tuyên huấn TW mà lại phải đi vào chiến trường. Có người còn khuyên Liên chỉ cần nhờ bố nói một tiếng là cô có thể ở lại Hà Nội để tiếp tục dạy học. Tuy nhiên, Hồng Liên lại nghĩ khác. Chiến trường đang cần sức người sức của, hơn nữa chính vì bố mình phụ trách công tác tuyên huấn của cả nước nên mình ra đi là đúng, con cái đừng làm chuyện gì để bố mẹ phải mang tiếng. Lúc này Liên có người anh trai đang đi học ở nước ngoài. Khi nghe tin em gái vào chiến trường, anh rất lo lắng và càng thương đứa em hơn nhưng người anh cũng dứt khoát tỏ rõ quan điểm của mình qua những dòng thư gửi cho Hồng Liên: “… Em đừng nghĩ em đã thay anh để vào chiến trường. Do đang học dở dang, anh chưa thể về nước được nhưng anh hứa sau này khi trở về anh cũng sẽ đăng ký đi vào chiến trường như em”.
Thử thách ban đầu đến với Hồng Liên là những ngày tập luyện ở thị trấn Bần (Hưng Yên) để chuẩn bị lên đường. Tuy thấp bé nhẹ cân nhưng cô vẫn phải mang ba lô gạch nặng 30 ký như mọi người, đường hành quân dọc triền núi cũng không ngắn hơn những người khác trong đơn vị. Lần đầu tiên xa đứa con gái, mẹ Hồng Liên chỉ biết khóc mà thôi. Biết áo quần của đơn vị không có số nhỏ hơn, bà đã lên đến tận nơi huấn luyện tự tay sửa lại cho vừa với vóc dáng nhỏ bé của con mình. Hơi ấm từ những đường kim mũi chỉ của người mẹ càng truyền thêm sức mạnh cho Liên lên đường vào Nam. Thời gian hơn 30 năm đã trôi qua, cô vẫn còn nhớ như in ngày bước chân lên tàu để vào Nam: “Hôm đó chúng tôi được lệnh lên đường vào 3 giờ sáng, đang chờ tàu ở ga Thường Tín thì có người báo cho tôi biết ba đến thăm. Khi chia tay, ông trao cho tôi một bức thư dài 12 trang giấy và một chiếc huy hiệu Đoàn. Trong thư ông căn dặn con gái dù đi đâu làm gì cũng phải sống chan hòa, giản dị, biết “ba cùng” với nhân dân, luôn xứng đáng với truyền thống của một gia đình cách mạng và là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Những lời khuyên của ba đã làm cho tôi càng thêm vững vàng, cứng cáp hơn”.
Đi giữa đoàn quân ra trận, cô giáo Hồng Liên không hề chịu thua kém ai khi vượt đèo lội suối. Chiếc ba lô to kềnh nặng gần 40 ký như che lấp cả thân hình nhỏ bé của cô gái Hà Nội. Những lúc dừng chân bên bờ suối, Hồng Liên lại kê ba lô để ghi nhật ký, viết thư gửi người thân. Sức mạnh tinh thần và niềm tin phơi phới của tuổi trẻ đã chiến thắng tất cả. Tuy nhiên, đường Trường Sơn không chỉ có non xanh nước biếc, càng vào trong, mặt trận càng khốc liệt hơn. Lương thực trong ba lô ngày một cạn dần, đường về binh trạm lại còn xa. Mừng nhất là khi gặp lại trạm dừng chân nào đó của bộ đội, anh em vừa có chỗ nghỉ lại vừa được ăn cơm của các chiến sĩ còn để lại. “Nhiều hôm thèm rau xanh nhưng không biết làm sao cả, 5 chị em trong đoàn có sáng kiến hái lá khoai mì, lá bứa muối chua trong hộp hăng-gô để ăn với cơm. Vào Trường Sơn ai cũng sợ những cơn mưa rừng. Mưa đến không biết trú chân vào nơi nào, hết mưa không biết lấy củi ở đâu mà nấu nướng. Vì thế nhiều người còn phải mang củi trên ba lô dù đang đi giữa rừng. Có hôm phải đứng chờ mưa cả mấy tiếng đồng hồ mới có được chỗ nghỉ chân” – cô Hồng Liên nhớ lại. “Huy hoàng” nhất là những lần ghé vào các bản làng người dân tộc, anh em đổi chăn sợi, khăn len và cả kẹp tóc lấy gà làm thịt ăn. Những bữa ăn tươi dù ít ỏi nhưng cũng tăng thêm sức khỏe cho cả đoàn ngày mai hành quân tiếp.
2. Vào đến Tây Ninh, cô giáo Hồng Liên về công tác tại Tiểu ban Giáo dục của TW cục, được một tháng rưỡi thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mặc dù chưa một lần đặt chân đến vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng khi Bộ Giáo dục phân công cô lại có nguyện vọng về miền Tây dạy học. Thế nhưng sau đó cô có giấy điều động về Sài Gòn và được Ty Giáo dục phân công tiếp quản quận 1. Cùng với nhiều giáo viên nòng cốt từ miền Bắc vào, những ngày đầu cô tham gia các lớp tập huấn về đường lối chính sách của Đảng, về nền văn học xã hội chủ nghĩa cho đội ngũ giáo viên tại chỗ. Tuy công việc mới mẻ, nhưng cô cũng đã bắt nhịp rất nhanh với thời cuộc. Chính trong thời gian này cô đã mau chóng trưởng thành khi tham gia vào các hoạt động xã hội. Vừa là một cô giáo dạy giỏi, cô Hồng Liên còn là một nữ cán bộ quản lý có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục TP trong những ngày hòa bình đầu tiên. Là Hiệu trưởng Trường THCS chuyên Nguyễn Du, quận 1 cô đã bỏ ra rất nhiều công sức để nâng cao chất lượng dạy học, từng bước xây dựng một đội ngũ học sinh giỏi để trường có thành tích 10 năm liên tục là đơn vị dẫn đầu TP về số lượng học sinh giỏi các cấp. Cô tâm sự: “Nghĩ lại mới thấy mình cũng hơi liều lĩnh. Vào những năm 1988, 1989 nhiều nơi còn chưa đủ phòng học thế mà trường đã có đủ phòng Lab, phòng nhạc, phòng máy vi tính… Trường Nguyễn Du cũng là trường THCS đầu tiên có màn hình trình chiếu bài giảng cho học sinh, tất cả học sinh đều được ngồi học trong phòng máy lạnh”. Mặc dù điều kiện vật chất theo tiêu chuẩn “năm sao” nhưng toàn bộ số tiền này có được không phải từ đóng góp của phụ huynh mà là do cô hiệu trưởng chịu khó đi vận động từ nhiều nơi. Nếu thiếu tiền cô lại vay của giáo viên, trả lãi hàng tháng 3%. Cũng có vài người lời ra tiếng vào, nhưng cô nghĩ việc mình làm với mục đích chung của nhà trường, không vụ lợi cho cá nhân nên không có gì mà sợ. Thế nhưng sau đó có người làm đơn thưa kiện làm cô rất buồn lòng. Cũng may là có nhiều người an ủi cô: “Cây ngay không sợ chết đứng”. Chỉ đến khi thanh tra về làm việc “trắng đen rõ ràng” mọi người mới hiểu tấm lòng của cô.
Năm 1999, từ Phó phòng GD quận 1, cô về Sở GD-ĐT TP.HCM phụ trách mảng mầm non và GDTX. Đây là những công việc hoàn toàn xa lạ nên lúc đầu cô thật sự ngần ngại. Nhưng qua nhiều lần xuống cơ sở kiểm tra cô càng thấy mình phải có trách nhiệm đối với từng ngành học. Nhìn những cháu bé không được chăm sóc chu đáo trong những nhóm trẻ gia đình, cơ sở mầm non không phép lòng cô lúc nào cũng trăn trở. Không chỉ xóa dần những cơ sở mầm non không phép để đem lại sự an toàn cho các cháu mà cô còn xây dựng được hệ thống trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
3. Dù ở cơ quan là cương vị một người cán bộ quản lý nhưng về nhà cô Lê Thị Hồng Liên vẫn phải làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ. Năm 1979, khi đứa con gái đầu lòng của cô tròn một tuổi cũng là thời kỳ nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam. Hằng đêm sau những ngày lên lớp cô phải mang theo cả con nhỏ để tập quân sự, hành quân trong trường. Không có người trông nom con, khi đi dạy các lớp BTVH cô cũng phải mang theo hai cháu nhỏ đến trường. Nhiều hôm mẹ dạy ở trong lớp, hai đứa con chơi ngoài sân, chị đuổi em té vào dây kẽm gai, trầy xước cả người. Vất vả nhất là những ngày cô phải bươn chải thêm đủ nghề để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Không có đất và vốn nuôi heo, cô lấy gạch kê thành hình chữ nhật, lót ni-lông bên trong để làm bể nuôi cá trê phi giống. Cô còn tự nuôi trùn chỉ để đỡ tốn tiền mua thức ăn cho cá. Ít ai biết rằng sau những giờ ở trường, cô giáo Liên ra chợ Hàm Nghi bán bánh mì, giữ xe ở Bệnh viện Nhi Đồng, tối về lại đan áo, móc giỏ… Thấy cô làm vất vả mà tiền công chẳng được là bao, chồng cô khuyên “thôi thà ăn cơm với nước mắm cũng được” nhưng cô lại thương hai đứa trẻ “không lẽ để cho con chịu khổ như người lớn”. Tình cảm của người mẹ đã giúp cô vượt qua những nhọc nhằn, tìm mọi cách bươn chải để mưu sinh. Thế nhưng trong việc giáo dục con cái, cô luôn là người nghiêm khắc, chu đáo. Dù bận rộn bao nhiêu, trước khi đi làm cô vẫn tự tay làm bữa sáng cho cả nhà. Hàng xóm ít thấy con cô ăn sáng ở hàng quán ngoài đường. Ngày nghỉ, ba mẹ con tíu tít làm các loại bánh hoặc nấu chè để có thêm niềm vui đoàn tụ gia đình. Theo cô, không phải vì cha mẹ tiếc tiền đối với con cái mà là người ta sẽ nghĩ rằng cha mẹ không lo đủ cho con, đó còn là cách sinh hoạt của một gia đình có nền nếp. Sau này, hai cô con gái đã lớn nhưng dù mua sắm gì cũng có mẹ đi theo, vì vậy các con càng quý mến cô và cô càng hiểu con hơn. Đối với cô đó là những giây phút thật hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc nhất với vợ chồng cô là cả hai cô con gái đều thành đạt từ cố gắng của bản thân, không hề có sự “can thiệp” của bố mẹ.
“Cha mẹ sống mẫu mực không chỉ là tấm gương cho con cái noi theo mà còn để đức lại cho con cháu mình” – câu nói của cô Hồng Liên đến bây giờ nếu nghiệm vào tổ ấm hạnh phúc của cô và cả những gia đình khác, tôi thấy không có gì sai cả.
Hương Thủy
Bình luận (0)