Mùa hè đưa con đến hồ bơi là cha mẹ mong muốn trẻ có những ngày nghỉ thoải mái để rèn luyện thân thể và phòng chống đuối nước. Tuy nhiên, cũng có những đứa trẻ phải gánh chịu những hậu quả về sức khỏe và cả tính mạng do người lớn thiếu hiểu biết và quan tâm khi đưa trẻ nhỏ đi bơi.
Trẻ cần có những kỹ năng khi bơi lội. Ảnh: I.T |
Bơi lội là môn thể thao tốt cho sức khỏe của mọi lứa tuổi nhất là với trẻ nhỏ. Vì thế hơn ai hết cha mẹ phải là người thầy đầu tiên dạy trẻ những kỹ năng cần thiết trước khi xuống hồ để đảm bảo an toàn và tính mạng.
Không rời mắt trẻ đang bơi
Nếu như trong năm học, trẻ đi bơi thường có giáo viên và người huấn luyện quản lý thì mùa hè cha mẹ luôn là trợ lý đắc lực để đưa trẻ đi đến nơi về đến chốn thật an toàn. Tuy nhiên chỉ cần một chút sơ sẩy là trẻ có thể bị tai nạn hoặc đuối nước ngay giữa hồ mà cha mẹ không hay biết. Trong mấy ngày nghỉ lễ đầu tháng 5, một đứa trẻ 8 tuổi đã bị đuối nước ở hồ bơi B. thuộc P.5, Q.Gò Vấp. Mặc dù có mẹ đi theo ngồi trên bờ canh chừng nhưng do mải mê bấm điện thoại nên đến khi phát hiện sự việc thì không còn kịp nữa. Nhiều người vẫn tin rằng khi trẻ bơi dưới nước có người lớn ngồi canh chừng trên bờ thì chắc chắn sẽ không có việc gì xảy ra và nếu có thì mọi người sẽ phát hiện kịp thời. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy vì đã có hàng chục trường hợp trẻ bị đuối nước ngay bên cạnh mọi người có mặt trong bể bơi mà không ai hay biết. Đó là câu chuyện của bé P.A một học sinh lớp 1 của trường tiểu học ở Q.Thủ Đức cách đây vài năm. Dù không biết bơi nhưng bé vẫn đăng ký tham gia vào đội bơi của nhà trường và sau đó P.A đã tử vong dưới hồ. Thật đau đớn trong lúc mọi người đang làm lễ khai mạc thì bé đã nhảy xuống hồ rồi bị chìm xuống nước. Mặc dù được phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng 1 ngày sau cháu đã tử vong trong nỗi đau xót của gia đình và nhà trường.
Như vậy, mặc dù có người lớn quản lý nhưng nếu thiếu tập trung, bỏ đi làm chuyện khác dù chỉ trong một thời gian ngắn thì vẫn có thể có sự cố xảy ra. Trong bể bơi nguy hiểm luôn rình rập đối với mọi người nhất là trẻ nhỏ. Vì thế đưa đi bơi người lớn cần quan tâm và đặt vấn đề an toàn cho trẻ lên hàng đầu, hạn chế thấp nhất những rủi ro không đáng có. Không rời mắt khi bắt đầu trẻ nhảy xuống hồ bơi.
Luôn trong tầm tay người lớn
Khi đưa trẻ đi bơi cần chú ý đến yếu tố an toàn của bể bơi. Hầu hết phụ huynh thường đưa con đến hồ bơi gần nhà, giá cả rẻ nhưng thực tế điều đó không quan trọng bằng vệ sinh của hồ bơi. Cần tránh những hồ bơi không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, nhiều rác, nước có màu đục, phòng thay đồ nhếch nhác, không đủ nước tắm sau khi bơi, thiếu những nội quy bắt buộc. Cha mẹ nên đến tham quan trước về cơ sở vật chất, ghi nhận những thông tin cần thiết, trình độ kỹ năng của huấn luyện viên. Nên nhắc nhở và dặn dò con các nguyên tắc an toàn cơ bản như không được chạy nhảy ở gần bể bơi, không xuống nước hoặc lại gần hồ bơi khi không có người lớn đi kèm. Điều nên nhớ là để mắt luôn canh chừng con trẻ cẩn thận kể cả khi có huấn luyện và nhân viên cứu hộ ở đó. Vì nhân viên cứu hộ phải coi nhiều người nên không phải lúc nào họ cũng để mắt tới con mình mà cha mẹ phải là người có trách nhiệm đầu tiên với con mình. Tuyệt đối không làm việc riêng trong khi ngồi trên bờ trông con như đọc sách báo, dùng điện thoại, nói chuyện với nhau, đi ra ngoài quá lâu. Một đứa trẻ dưới 5 tuổi dù bơi giỏi đến đâu cũng vẫn phải luôn ở trong tầm tay với của người lớn.
Ông Nguyễn Thanh Tâm – huấn luyện viên hồ bơi Thiếu nhi 1-6 thuộc Q.Gò Vấp cho biết, cha mẹ cần có những hiểu biết cơ bản giúp con làm quen với nước, tập nín thở dưới nước bằng một chậu nước tại nhà, cách hít vào thở ra trong khi bơi, xử trí các biện pháp sơ cứu khi có sự cố xảy ra đối với trẻ nhỏ. Nhiều người mong muốn con biết bơi sớm nhưng tuyệt đối không cưỡng ép đem con xuống nước. Nếu lần đầu trẻ bị sặc nước thì trẻ sẽ có ấn tượng không hay và luôn sợ hãi khi thấy ba mẹ bồng xuống nước nên việc học bơi càng khó khăn hơn. Trong quá trình tập bơi dù trẻ dùng phao nhưng cha mẹ cũng cần để mắt tới không được sơ ý hay lơ đãng. Nhiều người cho con bơi xong không cần tắm lại nước ngọt, đây là điều không nên vì nước trong hồ bơi có hóa chất nên ảnh hưởng đến làn da mỏng của trẻ. Cần vệ sinh sạch sẽ, tắm gội kỹ bằng xà phòng và nhỏ thuốc mắt, mũi, tai.
BS.CK2 Nguyễn Thị Hằng Nga – BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, chỉ cần nhỏ dung dịch Natri clorid 0,9% là vừa đủ. Đây là dung dịch đẳng trương được dùng rửa mắt và mũi để đề phòng và giảm những triệu chứng liên quan đến bộ phận thị giác và thính giác. Không nên lạm dụng các loại thuốc dành cho các bệnh về mắt đối với người đi bơi vì có hại cho mắt và mũi. Thuốc chỉ dùng trong 15 ngày sau khi mở nắp lọ nhưng trong thực tế nhiều người ít quan tâm đến điều này mà sử dụng cả tháng hoặc vài tháng sau là không tốt. Trẻ nên có đồ bơi riêng hạn chế thuê mướn đồ bơi trong dịch vụ hồ bơi hay nhà thiếu nhi. “Nếu phát hiện trẻ bị mắc bệnh ngoài da, viêm tai, đau mắt sau khi bơi thì hãy tạm ngưng cho bé đến hồ bơi để bệnh khỏi nặng thêm và tránh lây lan. Lúc đó đến BV khám BS để điều trị khỏi hẳn mới đi bơi tiếp” – BS Nga lưu ý.
Hương Thủy
Bình luận (0)