Cuộc họp phụ huynh ở lớp 5X, Trường Y. xôn xao hẳn lên khi giáo viên chủ nhiệm nêu một số sự việc xảy ra ở lớp trong thời gian qua. Trường hợp thứ nhất, em N. – một học sinh nam học giỏi của lớp, là con ngoan của gia đình nhiều năm qua. Em xin ba mẹ cho đi học thêm ở nhà giáo viên chủ nhiệm từ đầu năm học. Vì bận rộn làm ăn, nhà em ở gần nhà thầy nên em tự đi học. Một hôm, ba mẹ vô tình nhặt được quyển vở học thêm của em và ngạc nhiên vì đã học thêm mấy tháng nhưng trong vở chỉ có viết vài bài. Dò hỏi, em bảo thầy thường cho bài trên phiếu luyện tập. Nghi ngờ, ba em điện thoại cho giáo viên và được biết em chưa hề học thêm ngày nào. Lúc này, N. mới tự thú là đã mê game từ hè. Hết hè, ba mẹ không cho chơi nữa nên đã xin tiền học thêm để chơi game. Ba em truy hỏi tiếp về chiếc điện thoại gia đình bị mất tuần qua thì em lại thú nhận đã lấy đưa cho T. – bạn học cùng lớp bán lấy tiền để chơi game. Từ sự việc của N. liên quan đến T., giáo viên chủ nhiệm lại biết thêm về T. Ba mẹ T. đi làm từ sáng sớm đến tối, em ở nhà một mình, bữa cơm trưa của em là cơm hộp. Không ai quản lý, sau giờ học là em mang cơm đến tiệm net để chơi game và về nhà trước khi ba mẹ đi làm về.
Trường hợp khác, H. – một học sinh nữ của lớp – thường xuyên báo gia đình đi học nhóm ở nhà bạn. Một lần, em đi đến 10 giờ đêm vẫn chưa về. Gia đình lo lắng đã đến nhà giáo viên nhờ thầy liên hệ các bạn trong lớp. Gia đình càng lo lắng hơn khi không một bạn nào cùng lớp tổ chức học nhóm. Đến khi H. về, ba mẹ mới rõ em thường đi chơi với một nhóm bạn mà em quen ở khu phố gần đó và thường xuyên đi chơi với nhóm này…
Khi sự việc xảy ra, phụ huynh của các em N., T. và H. đều chung một ý kiến là “Con mình từ trước đến giờ luôn ngoan ngoãn, nên tin tưởng tuyệt đối, không ngờ con mình như thế và tự vấn sao con lại hư nhanh đến vậy?”.
Nếu ba mẹ N. dắt con đến gặp thầy xin học; nếu ba mẹ T. sắp xếp không bỏ con mình suốt cả ngày một mình; nếu ba mẹ H. đưa con đến nơi học nhóm để biết con mình học nhóm ở đâu, với ai… thì mọi việc có xảy ra không? Có làm ba mẹ ngỡ ngàng như thế không?
Các trường hợp trên đều cho thấy một thực trạng hiện nay là phụ huynh chưa quan tâm sâu sát đến con em, tin tưởng con em mình tuyệt đối và luôn nghĩ con em mình sẽ luôn ngoan ngoãn như từ trước đến nay. Các bậc cha mẹ đã quên rằng tâm lý trẻ em là ham chơi, thích vui vẻ với bạn bè, dễ bị cám dỗ bởi cái mới lạ và luôn muốn thỏa mãn ý thích của mình. Chính vì vậy, trẻ rất dễ hư. “Nhân chi sơ tính bản thiện” nhưng “Gần mực thì đen”. Trẻ em phải luôn được quan tâm dạy dỗ, kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai trái mà các em mới hình thành. Sự lơi lỏng của cha mẹ chính là điều kiện làm cho trẻ dễ dàng hư hỏng.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)