Một gia đình toàn vẹn sẽ giúp trẻ phát triển tốt về mọi mặt. Ảnh: M.H |
Ly hôn không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng cho người chồng, người vợ, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của những đứa trẻ trong gia đình…
Theo số liệu điều tra do Bộ VH-TT&DL, phối hợp với Tổng cục Thống kê, cho thấy, số vụ ly hôn đang tăng nhanh. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ, năm 2006 chiếm khoảng 31-40%, cứ khoảng 4 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. Ly hôn không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng cho người chồng, người vợ, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của những đứa trẻ trong gia đình: Trẻ có thể có những biểu hiện lo âu, sợ hãi, xáo trộn về cảm xúc, vì thế khó tập trung, giảm trí nhớ trong học tập. Một số trẻ trở nên mặc cảm, ngại tiếp xúc với xã hội hoặc cũng có trẻ trở nên phá phách để thu hút sự quan tâm của cha mẹ…
Vậy ly hôn ảnh hưởng như thế nào đến đời sống tâm lý và sự phát triển của trẻ. Thứ nhất, gia đình có ý nghĩa rất lớn không có gì có thể thay thế được, vì dưới con mắt của các em, gia đình là tổ ấm và người cha, người mẹ luôn là những hình mẫu lý tưởng để trẻ noi theo. Thứ hai là, cha mẹ ly hôn ảnh hưởng đến xúc cảm – tình cảm, hành vi của trẻ. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, tính khí của trẻ, cũng như cách vận hành của gia đình trước khi ly hôn. Qua khảo sát, có tới 72,1% trẻ em cảm thấy mặc cảm khi bố mẹ ly hôn, từ mặc cảm, tự ti đau khổ dẫn đến các em bị suy sụp về tinh thần chiếm 37,6%, trẻ hiếu chiến, hiếu thắng, bất cần chiếm 43,1%, đây là những cú sốc về tâm lý khi mà trẻ chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho một cuộc sống gia đình thiếu cha hoặc mẹ. Dẫn đến tình trạng trẻ chống đối, ngỗ ngược, bỏ nhà đi lang thang, tham gia vào những nhóm bạn xấu, đua xe, đánh bài, hút chích… Mức độ lo sợ của trẻ cũng rất khác nhau, có trẻ sợ thay đổi chỗ ở, trẻ sợ mất đi các mối quan hệ gắn bó, sợ bị cha mẹ bỏ rơi, nhiều trẻ chưa nhận thức đúng nguyên nhân cha mẹ ly hôn, có nhiều em nghĩ cha mẹ ly hôn là do các em, vì vậy tỉ lệ lo sợ cha mẹ bỏ rơi chiếm rất cao. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều bậc cha mẹ sau khi ly hôn dành rất ít thời gian chăm sóc con cái, thậm chí có nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn thì phó mặc việc chăm sóc con của mình cho ông bà. Trẻ sống trong gia đình cha mẹ ly hôn cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống tỉ lệ này chiếm 41,9%. Điều này chứng tỏ rằng, cha mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến nhân sinh quan, đến niềm tin của trẻ vào cuộc sống và con người.
Để giảm bớt những tổn thương cho trẻ, cha mẹ nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định hoặc cha mẹ nên: Thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng cho con biết tình trạng của bố mẹ; Hỏi ý kiến của con muốn sống với ai và tuyệt đối tôn trọng quyết định ấy; Người không trực tiếp nuôi dưỡng con nên thường xuyên ghé thăm và chu cấp đầy đủ; Tránh mọi sự biến đổi về sinh hoạt hàng ngày. Hãy để mọi thứ diễn ra bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Dần dần trẻ sẽ quen bầu không khí đó; Để ý hơn đến những mối quan hệ xã hội của con ở trường và các sân chơi để có sự can thiệp kịp thời trước những hành động, lời lẽ gây tổn thương cho con liên quan đến vấn đề ly hôn của bố mẹ.
Hôn nhân là một trong những vấn đề hệ trọng nhất của một đời người. Vì vậy, mỗi người cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định cưới hoặc ly hôn.
ThS. Phan Thị Thanh Hương
(Giảng viên Trường ĐH Sài Gòn)
Bình luận (0)