Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh khi phát hiện con em mình ăn cắp vặt thì liền nổi nóng, quát mắng, thậm chí có người còn đánh trẻ. Tuy nhiên, liệu đây có phải giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn được hành động xấu đó của trẻ?
Như chúng ta biết, đối với một đứa trẻ thì các em chưa phân biệt được việc làm nào đúng, việc làm nào sai; cái gì nên làm và không nên làm. Các em hay hành động theo bản năng của mình. Khi các em thích một cái gì đó thì các em chỉ suy nghĩ là mình làm sao lấy cho bằng được cái đó. Chớ thật ra các em chưa nhận thức được hậu quả do hành động của mình gây ra. Cho nên, để trẻ nhận thức được điều này thì phụ huynh cần phải có giải pháp để giáo dục trẻ.
Trước hết, chúng ta khẳng định cho trẻ biết hành động lấy cắp đồ của người khác là hành động sai. Sau đó, phụ huynh giải thích cho các em hiểu hậu quả từ hành động sai trái ấy. Chẳng hạn như: khi những đứa trẻ có hành động xấu thì tất nhiên bản thân các em sẽ bị bạn bè, mọi người chế giễu, xa lánh. Mặc dù những thứ mà các em lấy không đáng giá là bao, nhưng tiếng xấu sẽ mãi theo đuổi các em. Khi ấy, các em đi đến đâu cũng bị bạn bè gọi bằng cái tên “con ăn cắp” hoặc “thằng ăn cắp”. Đồng thời, đưa ra các hệ quả xấu mà trẻ sẽ gặp phải nếu các em tiếp tục tái phạm lại hành vi đó như phạt không cho tiền ăn quà bánh, không dẫn đi chơi…
Thay vì la mắng hay đánh đập trẻ, thì phụ huynh nên dùng tình yêu thương của người thân để giáo dục trẻ. Lúc gặp hoàn cảnh ấy hãy tâm sự với các em về nỗi lòng của mình khi biết được hành động của trẻ, đại ý như: Cha, mẹ rất buồn vì con có hành động lấy trộm đồ của người khác; cha, mẹ rất xấu hổ, không dám nhìn mặt ai… Xong, chúng ta vẫn tiếp tục có những hành động âu yếm, yêu thương trẻ như bình thường, không vì sự giận mà bỏ mặc trẻ. Hãy tạo cho trẻ có được niềm tin đối với những người thân trong gia đình, nhất là lúc trẻ mắc phải sai lầm.
Kế tiếp, phụ huynh cần dành nhiều thời gian ở bên cạnh trẻ. Khi phụ huynh có nhiều thời gian bên trẻ sẽ có điều kiện trò chuyện với trẻ nhiều hơn; tạo cho trẻ có cảm giác về tình yêu thương từ gia đình. Đặc biệt, lúc ở bên trẻ, phụ huynh sẽ dễ dàng nắm bắt được tâm tư, ước muốn của con trẻ để kịp thời uốn nắn điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên thường xuyên nhắc nhở trẻ là một khi muốn thứ gì thì cứ mạnh dạn trình bày ước muốn của mình với cha mẹ hoặc những người lớn trong gia đình. Muốn bất cứ điều gì cũng phải xin ý kiến của cha mẹ, những người lớn trong gia đình. Nếu xét thấy ước muốn đó hợp lý thì mọi người sẽ sẵn sàng đáp ứng cho trẻ.
Thiết nghĩ, khi trẻ mắc phải sai lầm thì phụ huynh nên tìm giải pháp thích hợp để giáo dục trẻ, giúp trẻ từ từ nhận thức được cái sai của mình để trẻ tự sửa đổi. Nên nhớ rằng la mắng, đánh đập không phải là giải pháp hữu hiệu để giáo dục trẻ, mà trái lại ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
Nguyễn Đô (Vĩnh Long)
Bình luận (0)