Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cha mẹ nghèo và những đứa con học giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Thống động viên hai con Huệ và Thanh cố gắng chăm học

Mấy hôm nay, nhắc đến chuyện học hành đỗ đạt, người dân thôn Trúc Lâm, phường Hương Long, TP.Huế cứ trầm trồ ngợi khen và thán phục các con của đôi vợ chồng nghèo Võ Nhật Thống và Lê Thị Ty. Con đường tới trường của 5 anh em con anh chị là một câu chuyện về lòng hiếu học và nỗ lực vượt khó.

Niềm tự hào của đôi vợ chồng nghèo

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tạm khá tuềnh toàng, anh Thống tần ngần đãi khách bằng mấy củ sắn mì lót dạ giữa chiều tà, rồi bắt đầu câu chuyện về nỗ lực tới trường của các con. Anh Thống và chị Ty có 5 đứa con, cả 5 đều chăm ngoan học giỏi. Đặc biệt, bước vào năm học 2015-2016, cả ba chị em Huệ, Thanh và Thiện đều vào các trường ĐH công lập danh tiếng với số điểm đỗ vào trường đều trên 22 điểm. Hành trình vào ĐH của 3 em đều bắt đầu bằng những bước đi gian khó với những buổi làm thêm thâu đêm, xuyên trưa và thậm chí có cả khoảng thời gian đứt học giữa chừng. Trong đó phải kể đến nỗ lực của Huệ. Huệ là con thứ hai trong gia đình. Năm lên lớp 6 thì bố trở bệnh nặng. Căn bệnh thoái hóa cột sống với nhiều biến chứng thần kinh tọa khiến anh Thống gần như trở thành người phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của vợ và các con. Một mình mẹ không nuôi nổi cả gia đình 7 miệng ăn, Huệ đành giấu nước mắt xin ba mẹ nghỉ học để đi phụ việc nhà cho một gia đình trên phố, với khoản tiền công 400 ngàn đồng mỗi tháng, Huệ gom góp mang về phụ mẹ chăm lo gia đình. 3 năm cặm cụi làm thuê, nhìn các bạn tới trường, nhiều lần Huệ lén chùi nước mắt, rồi em quyết định tiếp tục tới trường. “Lúc đó em đã lớn hơn các bạn cùng lớp đến 3 tuổi, em cũng ngại lắm nhưng nghĩ nếu ngại thì không được học nên tự nhủ mình cố gắng”, Huệ nhớ lại. Những tưởng bỏ học giữa chừng ảnh hưởng đến việc thu nạp kiến thức, nhưng không, Huệ vẫn vươn lên dẫn đầu lớp và thi đỗ vào Trường THPT Quốc học Huế. Những năm học ở đây, Huệ đạt nhiều thành tích trong các giải thi cấp quốc gia môn địa lý và có tổng điểm thi vào khối D đạt 22,5 điểm. Cùng với Huệ, hai chị em sinh đôi kế Huệ là Võ Nhật Thiện và Võ Nhật Thanh cùng đỗ vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng và Khoa Du lịch – ĐH Huế. Ngoài ra, anh trai đầu của Huệ là Võ Nhật Cường đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, ngành sư phạm toán; em trai út đang học lớp 8 cũng đạt học sinh giỏi. Để đường chữ được nối dài, ngoài giờ học, các chị em Huệ vẫn miệt mài làm thuê, làm mướn. Mỗi mùa hè, cả ba chị em đều đến xưởng nón lá để làm thêm, chặng đường từ nhà xuống phố xa cả chục cây số, chiếc xe đạp cọc cạch, cũ rích. “Mỗi ngày, một đứa kiếm được 20 ngàn đồng nhưng ba chị em vẫn động viên nhau làm hết mùa hè để sang năm học mới có tiền tới trường”, Huệ nói.

Nỗi lo đường dài

“Các cháu ham học lắm, nhiều lúc muốn khuyên con nghỉ bớt đi vài đứa để đỡ đần mẹ nó nhưng nghe các con nói dù cực mấy cũng sẽ chịu khó làm thêm để không đứt đường học mà thương con đứt ruột. Vợ chồng lại tự nhủ cố gắng vì con…”, anh Thống trầm ngâm. Đã hơn chục năm nay, ngày khỏe mạnh của anh Thống chỉ tính trên đầu ngón tay. Gánh nặng gia đình dồn lên vai người phụ nữ yếu mềm. Từ 5 giờ sáng, chị Ty đã vắt mình trên chiếc xe đạp đi buôn ve chai, tối mịt mới trở về nhà. Mỗi ngày chị kiếm chưa được dăm bảy chục ngàn. Những hôm mưa gió thì đành bó gối nhìn ra. “Trước đây gia đình sống nhờ nhà ngoại các cháu ở trong thôn Chầm (cũng phường Hương Long) nhưng cuộc sống làm ăn khó khăn, nên tui đưa vợ con về đây đã 4 năm rồi. Bên nội cho miếng đất dựng cái lều ở tạm, không có đất canh tác nên nghèo vẫn hoàn nghèo”. “Hôm rồi cả ba đứa cùng đỗ ĐH, vợ chồng tui tính mãi không ra. Khi học cấp 3 thì các cháu được miễn học phí theo diện hộ nghèo, nhưng năm nay trừ cháu Huệ học sư phạm miễn học phí, còn cháu Thanh và Thiện vẫn phải đóng tổng cộng 20 triệu đồng/năm học, đó là chưa kể các khoản sinh hoạt ăn ở, thuê trọ của cháu Thiện ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng” anh Thống thở dài. Nắng chiều chiếu xiên mái tôn vào tận nhà, anh Thống ngồi bên thềm cửa, đôi mắt xa xăm: “Chừ năm ni, cả 3 đứa vô ĐH một lúc. Mừng mà lo! Không biết rồi đây mẹ nó có trụ nổi hay không khi mà thu nhập từ nghề ve chai không lấy gì làm ổn định. Cháu đầu tốt nghiệp ĐH Sư phạm toán đã 2 năm nhưng không xin được việc, chỉ quẩn quanh dạy thêm ở nhà nhưng đồng tiền kiếm được không bao nhiêu vì con em ở đây còn nghèo lắm, đứa nộp được ít, có đứa thì mắc nợ. Cháu út đang học lớp 8…”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Người cha khắc khổ ấy buông tiếng thở dài, đưa ánh mắt nhìn quanh nhà, dừng lại thật lâu trên những tấm bằng khen của các con, rồi anh xoa vai các con, nói chắc nịch: “Chỉ có con chữ mới thay đổi tương lai của các con. Cực đến mấy cả nhà mình cùng cố gắng vì tương lai các con!”.

 

Bình luận (0)