Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Cha nuôi, mẹ nuôi” trong làng giải trí: Giúp đỡ hay kiếm chác?

Tạp Chí Giáo Dục

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao các gương mặt nhí gây được ấn tượng trên truyền hình thực tế lại luôn được nhiều người muốn “giúp đỡ”, vừa được chú ý là không thiếu “cha nuôi”, “mẹ nuôi”, “người đỡ đầu” lập tức xuất hiện?

Ku Tin, sau một thời gian tham gia các chương trình, cát-sê của em được báo đến 20 triệu, gấp đôi thời điểm còn là thí sinh Người hùng tí hon. Không tiết lộ con số cụ thể nhưng theo bầu sô T. thì: “Cát-sê của Hồ Văn Cường không thua ca sĩ nổi tiếng hiện nay”. Mỗi chuyến từ Bắc Ninh lên Hà Nội biểu diễn, theo tiết lộ của một bầu sô phía Bắc, Đức Vĩnh được trả 15-20 triệu đồng. Cũng theo bầu sô này, cát-sê của Quán quân nhí Quang Anh không dưới 20 triệu đồng cho các sự kiện.

Đứng đầu về cát-sê của các gương mặt nhí có lẽ là Phương Mỹ Chi, với các sô ở TP.HCM không dưới 50 triệu đồng, ở các thành phố khác còn cao hơn, có khi lên đến 100 triệu! Hầu hết mức giá này là do “cha nuôi”, “mẹ nuôi”, “người đỡ đầu” của các em đặt ra và dĩ nhiên, một tỷ lệ không nhỏ trong đó là vào túi của những người “giúp đỡ” này.

“Cha nuoi, me nuoi” trong lang giai tri: Giup do hay kiem chac?
Phương Mỹ Chi và cha nuôi Quang Lê. Ảnh: Internet

Khi bị dư luận phản ứng vì đưa ra giá cát-sê của Phương Mỹ Chi đến 100 triệu đồng cho một đêm diễn ở Hà Nội, ca sĩ Quang Lê đã phân bua số tiền đó không chỉ chi cho một mình em! Tuy là “cha nuôi” nhưng những gì ca sĩ này “hỗ trợ” Phương Mỹ Chi đều được quy ra tiền (hoặc lợi ích nào đó) rất rạch ròi, phần ai nấy cầm.

Khi được hỏi vì sao MV Nhật ký cho ba không nhận được sự hỗ trợ của Quang Lê, Phương Mỹ Chi cho biết, nếu sử dụng bài hát hay beat nhạc do Quang Lê chọn, em phải phát hành MV qua kênh YouTube của ca sĩ này, không được đăng tải trên kênh riêng, đồng nghĩa với việc phải “hiến” một lượng người xem không nhỏ (Phương Mỹ Chi là một trong số vài giọng ca có lượng người theo dõi đông nhất hiện nay) cho “ba nuôi”. Những ai từng kiếm tiền từ internet đều hiểu điều này có nghĩa là gì.

Cũng Quang Lê từng làm dấy lên một làn sóng tranh cãi khi “đỡ đầu” cho Huyền Trân – một tăng ni, thí sinh của Giọng hát Việt nhí – đi hát. Theo “ba nuôi” này, việc đỡ đầu chỉ vì tình cảm anh dành cho Huyền Trân, muốn em kiếm được tiền trang trải cho cuộc sống. Thế nhưng, sự giúp đỡ này lại không đồng nghĩa với sự tôn trọng nguyện vọng của em, mà ngược lại.

Trong một liveshow do Quang Lê tổ chức, vì một nam ca sĩ không đồng ý song ca với Huyền Trân nếu em đội mũ ni lên sân khấu, “ba nuôi” này đã buộc em phải bỏ mũ ni – điều Huyền Trân tuyệt đối không muốn. Dù Huyền Trân đã lặp đi lặp lại nguyện vọng của mình trước sự chứng kiến của nhiều người, nhưng cuối cùng em vẫn bị ép phải bỏ mũ ni, đội tóc giả lên sân khấu.

Sẽ rất chủ quan nếu cho rằng trong showbiz không hề có lòng tốt, vì không thiếu những câu chuyện đầy nhân văn, xuất phát từ tình cảm yêu thương; nhưng việc lạm dụng để tư lợi cũng là chuyện rất hiển nhiên. Lằn ranh giữa khái niệm giúp đỡ và kiếm chác, tuy rõ ràng nhưng lại cũng rất mong manh, thậm chí dùng bao điều tốt đẹp để nguỵ trang cho sự giả dối.

Nguyên Vĩnh/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)