Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chăm “cầm kéo”, khéo tay nghề!

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương thực hành cắt, duỗi tóc cho khách

Học làm tóc một cách bài bản qua trường lớp, được cấp chứng chỉ hành nghề và có thể thạo việc chỉ sau khoảng 3-6 tháng đang là hướng lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ.
Các khóa đào tạo sơ cấp nghề làm tóc hiện đang rất hút học viên, nhất là trong điều kiện cuộc sống phát triển, nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng cao.
Học ngắn hạn…
Đỗ Ngọc Tường Vy (Q.10, TP.HCM) vừa mới hoàn thành khóa căn bản nghề uốn tóc tại Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, hiện em đang tham gia khóa học chuyên sâu. Vy cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, em có một thời gian tham gia học nghề tóc trực tiếp tại một tiệm làm tóc quen. Dù trong quá trình học em cũng được tiếp xúc với khách nhưng cơ hội thực hành khá hạn chế do nhiều chủ sợ học viên vụng về làm hư tóc khách. Vì vậy, những phần dễ thì được làm đi làm lại hoài trong khi các thao tác khó, phức tạp lại ít được đụng đến. Do đó em quyết định chuyển sang học sơ cấp, đến giờ cũng đã biết thực hiện những thao tác căn bản như duỗi, uốn, pha thuốc, nhuộm…
Còn Bùi Duy Hội (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) đang theo lớp chuyên sâu nghề tóc tại trường chia sẻ: “Em tốt nghiệp THPT cách đây mấy năm nhưng do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép nên em gác lại giấc mơ đại học. Thay vào đó, em đến TP.HCM kiếm việc làm và dành dụm tiền rồi theo học sơ cấp về làm tóc, vừa tiết kiệm được chi phí vừa có nghề nhanh”. Chàng học viên này kể, lần đầu tiên chạm vào mái tóc khách, em thiếu tự tin và bối rối tới mức không biết phải cắt sao cho phù hợp. Và dĩ nhiên lần đó và cả nhiều lần  sau nữa, em liên tục nhận được sự… phàn nàn từ khách hàng. Tuy buồn nhưng đó lại là động lực giúp Hội suy nghĩ, tìm tòi ra khiếm khuyết, học hỏi thầy cô cách khắc phục. Đến nay, sau khóa học căn bản, Hội đã tự tin nắm bắt tâm lý, tư vấn kiểu tóc cho khách và khá thạo các thao tác cắt, gội, uốn, nhuộm… Với Hội, chỉ cần khách hài lòng, khen một câu thôi đã khiến em vui đến… mất ngủ! Tường Vy cũng vậy, em kể: “Có lần em cắt mà quên chừa đuôi tóc theo yêu cầu của khách khiến họ không vừa lòng, tuy chưa bị… bắt đền nhưng em vẫn thấy áy náy. Dù sao cũng từ những lần sai như vậy mà bản thân em mới rút ra được kinh nghiệm. Giờ, trước khi bắt đầu với một khách hàng, bao giờ em cũng để ý, hỏi thật kỹ ý muốn của họ”.
Ngay cả giáo viên Nguyễn Trần Văn Phương (bộ môn uốn tóc, Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương) cũng từng vào nghề với những bài học để đời. Anh từng bị khách hàng níu áo… đòi lại mái tóc dài mặc dù trước đó họ nằng nặc đòi cắt ngắn. Theo anh Phương, nghề làm tóc như làm dâu trăm họ, một trong những cái khó nhất là phải hiểu thấu đáo tâm lý khách hàng. Mà khách hàng thì trăm ý, cùng một kiểu tóc, có người khen đẹp nhưng người khác lại chê là xấu, để vừa lòng được mọi người không hề dễ.
Khởi nghiệp nhanh!
Ông Dương Nam (Tổng thư ký Hội Dạy nghề TP.HCM) nhận định: “Xã hội hiện đại, nhu cầu làm đẹp của người dân tăng cao do đó sự quan tâm của người học đối với lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp nói chung và mảng tóc nói riêng cũng đáng kể. Bên cạnh các cơ sở hoạt động dưới dạng “nghề truyền nghề”, hiện nay khá nhiều trường và trung tâm dạy nghề đầu quân cho lĩnh vực này, chủ yếu bằng các khóa đào tạo ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng. Thời gian học ngắn, có nghề nhanh cũng là một trong những nguyên nhân thu hút học viên”. Ở trình độ trung cấp, Trường Trung cấp Nghề Nhân Đạo là đơn vị mới được Tổng cục Dạy nghề giao thí điểm đào tạo chương trình trung cấp nghề chăm sóc sắc đẹp, trong đó có nghề uốn tóc. Khóa đầu tiên đã có 45 học viên theo học. Song song đó, các khóa sơ cấp vẫn đều đặn thu hút học viên.
Theo ông Ông Vĩnh Văn Thanh (Trưởng khoa Kỹ thuật Nghiệp vụ Trường Trung cấp Nghề Nhân Đạo), các khóa ngắn hạn chủ yếu đáp ứng nhu cầu của lượng học viên ở ngoại thành hoặc có độ tuổi lớn, muốn trang bị nghề nhanh để mở tiệm. Ông Thanh cũng đánh giá, trong tình hình khó tuyển sinh chung của hệ đào tạo nghề hiện nay, việc thu hút được học viên cho thấy lĩnh vực dạy nghề làm tóc bắt đầu khởi sắc.
Học viên nghề làm tóc cũng rất đa dạng, từ những em mới tốt nghiệp THCS, THPT đến những người trên 40 tuổi. Dù ở lứa tuổi nào, muốn có tay nghề và tạo được thương hiệu, ngoài nỗ lực học tập cần có chút năng khiếu. Bà Hoàng Thị Mỹ Dung (Trưởng bộ môn uốn tóc, Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương) lưu ý: “Để tạo được chỗ đứng trong nghề làm tóc, bất kỳ ai cũng nên khởi nghiệp bằng chính đam mê, sự tỉ mẫn. Bên cạnh tay nghề, đạo đức nghề nghiệp cũng là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng uy tín, thương hiệu của “người cầm kéo”. Người thợ giỏi không chỉ tạo ra mái tóc đẹp mà còn biết giúp khách giữ lâu bền được vẻ đẹp đó”.
Cũng theo bà Dung, số học viên đăng ký tại trường ngày càng đông, sau Tết là thời điểm rộ nhất. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay lượng học viên tại trường đã tăng gần gấp đôi số  lượng của cả năm trước. Đặc biệt, thời gian gần đây số học viên nam đông hơn nữ, mỗi lớp thường chiếm khoảng 60% nam. Bà Dung còn cho rằng, đa số học viên học các khóa làm tóc ngắn hạn (3-6 tháng) thường để giải quyết nhu cầu việc làm trước mắt. Tuy nhiên, thực tế bằng khởi điểm này, thành công đã đến với nhiều người thợ biết chăm chút tay nghề. Không ít học viên đã đứng tiệm và sau đó tạo được uy tín, thương hiệu rất nhanh đối với khách.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Theo ông Dương Nam (Tổng thư ký Hội Dạy nghề TP.HCM), học viên quan tâm có thể học các khóa ngắn hạn về lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp nói chung và nghề làm tóc nói riêng tại một số cơ sở như: Trường CĐ Nghề TP.HCM (Q.1), Trường Trung cấp Nghề Nhân Đạo (Q 3); Trường Trung cấp Nghề Du lịch Khôi Việt (Q.Phú Nhuận); Trung tâm Dạy nghề các quận 1 và Bình Thạnh… 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)