Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Châm chọc

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, ở một trường tiểu học đã có hai trường hợp học sinh không muốn đến lớp chỉ vì bị bạn châm chọc.
Trường hợp thứ nhất, L. – một học sinh lớp 5, em rất hiền ngoan có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt: cả cha lẫn mẹ đều đang ở trại cai nghiện ma túy, em phải sống với người mẹ nuôi. Từ trước đến giờ, em L. vẫn học tập, sinh hoạt hòa đồng cùng các bạn. Thế nhưng gần đây, em không chịu đi học, dù mẹ nuôi đã khuyên bảo hết lời. Rất may là mẹ nuôi của em đã đến nhờ giáo viên chủ nhiệm. Qua tìm hiểu, giáo viên mới biết được lý do là sau khi học bài khoa học “HIV/AIDS” thì một bạn trong lớp, trong lúc đùa vui đã gọi L. là “L. si đa”. Từ đó, cứ gặp L, các bạn trong lớp đều gọi em như thế và còn lan sang lớp khác. Như bị chạm vào nỗi đau, L. không còn thấy đi học là niềm vui như trước đây nữa. Sau khi biết chuyện, thầy chủ nhiệm đã hết sức khéo léo, đợi đến tiết khoa học hôm sau có bài “Đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, sau khi dạy xong, thầy liên hệ đến việc các bạn đã châm chọc L, các em đã nhanh chóng nhận ra cái sai của mình và L. lại tiếp tục vui vẻ đến trường.
Trường hợp thứ hai là em H. – học sinh lớp 4, mồ côi cha mẹ, từ miền Trung vào thành phố học và ở trong một ngôi chùa. Em H. mặc đồ nhà chùa và tóc cũng để chỏm. Em lanh lợi, học khá nên nhanh chóng hòa nhập với các bạn. Đột ngột H. nghỉ học hai ngày và sau đó sư cô trụ trì chùa đã đến trường cho biết: Em buồn chán và không muốn đi học vì những ngày gần đây, từ một bạn trong lớp đã nhân rộng ra nhiều bạn nữa cứ gặp H. là đọc câu: “Thầy chùa mà… sư cô/ Đẻ ra con H. cái đầu lơ thơ” làm em xấu hổ không muốn đến trường. Giáo viên chủ nhiệm cũng đã phải nhanh chóng sinh hoạt lớp và chỉ cho các em thấy cái sai của mình là không chỉ xúc phạm bạn mà còn xúc phạm những người tu hành.
Đối với lứa tuổi học sinh, chọc ghẹo nhau là chuyện xảy ra thường xuyên nhưng lời trêu chọc chạm đến nỗi đau, xúc phạm người khác là không thể chấp nhận được, là điều xấu mà thầy cô và các bậc cha mẹ cần lưu ý để ngăn chặn và giáo dục các em.
Lê Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)