Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chăm chút nguồn nhân lực dàn nhạc cổ

Tạp Chí Giáo Dục

Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM đã không còn tuyển sinh đào tạo nhạc công cho sân khấu cải lương

Theo những người trong cuộc, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho dàn nhạc cổ của sân khấu truyền thống tại TP HCM trong đó có sân khấu cải lương, đờn ca tài tử (ĐCTT) đang có lỗ hổng lớn. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, sân khấu truyền thống sẽ thiếu trầm trọng lực lượng kế thừa.

Kỳ vọng "mô hình tập huấn"

Từ ngày 10 đến 19-5, Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức "Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật tuồng truyền thống – 2024" tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng. Sau đó sẽ triển khai tại các tỉnh, thành khác trong cả nước với mục đích đầu tư dàn nhạc cổ của sân khấu truyền thống.

Một cảnh trong vở cải lương “Thầy Ba Đợi” - nói về cuộc đời người đưa âm nhạc cải lương vào đời sống và khao khát lưu truyền âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ

Một cảnh trong vở cải lương “Thầy Ba Đợi” – nói về cuộc đời người đưa âm nhạc cải lương vào đời sống và khao khát lưu truyền âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ. Ảnh: Thanh Hiệp

Thông qua chương trình tập huấn, ngoài các diễn viên được bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ thuật diễn xuất, hát, múa tuồng truyền thống, trọng tâm là các nhạc công được bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp thể hiện những làn điệu tuồng cổ, phương pháp biểu diễn các nhạc cụ dân tộc trong dàn nhạc và xử lý các tình huống sân khấu.

NSND Đinh Bằng Phi cho hay ông mong chờ lớp tập huấn sẽ sớm được tổ chức tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam để thiết thực tạo dựng một thế hệ nhạc công của dàn nhạc cổ chuẩn mực và nhiệt huyết, từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhạc công.

"Lâu nay do thiếu đội ngũ kế thừa nên dàn cổ nhạc bị thay thế bằng đàn organ, việc này gây hưởng rất lớn đến giá trị của âm nhạc cải lương, ĐCTT" – Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ trăn trở.

Cổ nhạc vẫn có sức hấp dẫn

Thạc sĩ âm nhạc Vũ Kim Yến (Trường ĐH FPT TP HCM) – người khởi xướng và đã tổ chức hàng trăm suất giới thiệu nhạc cụ dân tộc đến trường học – cho rằng không hẳn các bạn trẻ chỉ mê kênh giải trí đương đại, không thích nhạc cụ dân tộc. Thực tế cho thấy qua những buổi giới thiệu các tính năng độc đáo của đàn tranh, bầu, kìm, tỳ bà…, học sinh rất thích. "Nhất là khi dàn nhạc cổ hòa tấu những bài hit của nhạc trẻ hiện nay, các em đã cổ vũ nồng nhiệt. Từ sự gieo mầm này, nhiều trường học đã thành lập các CLB nhạc cụ dân tộc, những đội nhóm làm quen với âm nhạc truyền thống" – bà Vũ Kim Yến thông tin.

Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan cũng cho rằng nếu có chiến lược, có giáo trình đào tạo phù hợp thì nguồn nhân lực về dàn nhạc cổ truyền thống tại TP HCM sẽ dồi dào. "Hằng năm Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, Nhạc viện TP HCM đã tổ chức các cuộc thi, liên hoan về nhạc cụ dân tộc, đây chính là nguồn lực cần được đào tạo, rèn luyện để họ bước vào hoạt động chuyên nghiệp" – Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan nói.

Theo những người trong cuộc, cần sớm có một chiến lược dài hơi, cơ chế đặc thù trong đào tạo đội ngũ nhạc công chuyên nghiệp cho các sân khấu truyền thống. Vì các nghệ nhân, các nhạc công giỏi đa phần đều tuổi cao, sức yếu, họ sẽ rời xa và mang theo hết kinh nghiệm quý thì thiệt thòi cho thế hệ nhạc công trẻ.

"Cách vận dụng cổ nhạc hiện nay rất tùy tiện, thiếu sức thuyết phục, dần dà sẽ gây nên sự hiểu nhầm về cách vận dụng bài bản cải lương của dàn nhạc cổ. Phải sớm chấn chỉnh, nếu không sẽ trễ và có lỗi với tiền nhân" – NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, bức xúc. 

"Các lò cổ nhạc ở thành phố hay ở các tỉnh cũng vắng dần người học. Nếu không củng cố, tìm kiếm đội ngũ có năng khiếu, tạo điều kiện cho họ học và làm nghề thì dàn cổ nhạc sân khấu truyền thống sẽ có nguy cơ bị xóa sổ" – NSND Ngọc Giàu lo lắng.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

 

Bình luận (0)