Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chậm công bố dịch tay chân miệng – Nguy cơ khó lường

Tạp Chí Giáo Dục

Việc 60 tỉnh, thành có ca bệnh với hơn 38.000 trẻ mắc, ít nhất 87 ca tử vong, bệnh tay chân miệng đang là nỗi ám ảnh của các nhà trẻ, trường học, phụ huynh. Tuy nhiên, xuất hiện không ít rối rắm xung quanh công tác phòng chống, điều trị bệnh dịch này.
Tạm ứng trước, điều trị sau
Dù cháu ngoại N.L.B.N. tử vong tại BV Nhi đồng 2 do bệnh tay chân miệng đã qua một tuần nhưng ông Lê Chí Thuyết (114 đường số 10, khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM) vẫn chưa hết bức xúc.
Ông Thuyết cho rằng sở dĩ, cháu gái ông tử vong do bác sĩ không cho nhập viện kịp thời. Phát bệnh ngày 15-8, gia đình đưa cháu N. đến BV Nhi đồng 2 khám tại Phòng Khám ngoài giờ. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé N. bị viêm họng, bệnh tay chân miệng độ I và kê đơn thuốc cho về nhà uống, hẹn tái khám ngày 16-8. Tuy nhiên, sau khi về nhà, diễn biến bệnh bé N. phức tạp, gia đình đưa đi cấp cứu tại BV Nhi đồng 2 và tử vong sau đó 2 ngày.
“Ngay khi khám bệnh, gia đình xin nhập viện cho yên tâm nhưng bác sĩ nói bệnh còn nhẹ và cho về nhà uống thuốc, theo dõi”, ông Thuyết nói. Điều ông Thuyết băn khoăn là trẻ dưới 6 tuổi được điều trị miễn phí nhưng ngay khi đưa cháu N. vào cấp cứu, bệnh viện yêu cầu gia đình ông đóng trước tới hơn 40 triệu đồng. “Nghe bác sĩ nói phải truyền thuốc, giá mỗi bình tới 4,5 triệu đồng và phải truyền 10 bình nên gia đình phải đóng”, ông Thuyết trần tình.
 
Thực tế cho thấy, hiện không ít gia đình có con nhập viện điều trị và cấp cứu do mắc tay chân miệng rất băn khoăn về các khoản tiền tạm ứng. Cũng tại BV Nhi đồng 2 TPHCM, cách nay hơn 1 tuần, một người nhà bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng ngụ tỉnh Bình Dương phải chạy đôn chạy đáo để tạm ứng tiền cho bệnh viện. “Con cái cấp cứu, gia đình khó khăn, xoay xở không kịp tiền để đóng cho bệnh viện?”, một người nhà bệnh nhân nói.
Một bác sĩ BV Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, hiện các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nặng đều cần truyền thuốc Gamma Globulin, một loại thuốc đặc trị được chiết xuất từ hồng cầu, nên có giá khá đắt. Tuy nhiên, trẻ dưới 6 tuổi đều được miễn phí hoàn toàn.
BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết khi bệnh nhân dưới 6 tuổi nhập viện đều được yêu cầu bổ sung thẻ BHYT hoặc giấy khai sinh trong vòng 24 giờ, một vài trường hợp cho phép bổ sung sau.
Tuy nhiên, trong trường hợp cấp cứu, phải cứu người trước, còn việc tạm ứng, giấy tờ BHYT tính sau. Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Giám định BHYT thuộc BHXH TPHCM cho biết, trẻ dưới 6 tuổi chỉ cần có giấy khai sinh, thẻ BHYT sẽ được BHYT thanh toán 100% viện phí. Trong trường hợp cấp cứu, không cần đúng tuyến cũng được thanh toán.
Về việc tạm ứng trước để điều trị bệnh tay chân miệng, theo bà Huyền là không cần thiết mà các bệnh viện chỉ cần bổ sung giấy khai sinh hoặc thẻ BHYT sau khi bệnh nhân ổn định đều được BHYT thanh toán.
Bệnh viện Nhi đồng 1 quá tải bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: Tg.LÂM
Chưa địa phương nào công bố dịch
Mặc dù số ca mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng vẫn liên tục tăng lên nhưng đến nay chưa có địa phương nào công bố dịch.
Ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM (địa phương có số ca mắc cao nhất nước) cho rằng, điều kiện công bố dịch của TPHCM chưa thỏa đáng vì số ca mắc bệnh tay chân miệng có vượt quá số người mắc dự tính (gần 8.000 ca mắc) nhưng bệnh dịch vẫn nằm trong kiểm soát, chưa xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và đã rõ tác nhân gây bệnh.
Căn cứ vào Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã có hiệu lực thi hành từ năm 2008, Quyết định số 64 ngày 25-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, nhiều địa phương vẫn băn khoăn có nên công bố dịch hay không?
Theo đó, dịch tay chân miệng chỉ được công bố khi hội đủ 2 điều kiện: Thứ nhất, số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế. Thứ hai là có một trong các yếu tố: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong; chưa rõ tác nhân và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.
Trong khi đó, trả lời PV Báo SGGP, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, các định nghĩa về dịch bệnh là khác nhau và có thể dựa trên một trường hợp đơn lẻ, một chùm các ca bệnh hoặc sự gia tăng các ca mắc với số ca nhiều hơn mong đợi khi so sánh với các năm trước đó.
Như vậy, so với các năm 2008, 2009, 2010 với khoảng trên 10.000 ca mắc, trong 7 tháng đầu năm 2011, số ca mắc tay chân miệng ở nước ta đã tăng gần gấp 4 lần với 37.000 ca. Do đó, xét về số ca mắc đã thỏa mãn đủ yếu tố để công bố dịch tay chân miệng.
Theo hướng dẫn quản lý lâm sàng và ứng phó y tế công cộng bệnh tay chân miệng của Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương – WHO xác định các tiêu chí được sử dụng khi định nghĩa dịch tay chân miệng rất khác nhau giữa các quốc gia, và thường đóng vai trò khởi xướng cho việc thực hiện các biện pháp y tế công cộng cụ thể.
Ngưỡng thường được sử dụng phổ biến ở một số nước để xác định các vụ dịch bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả bệnh tay chân miệng là khi số lượng các ca mắc đạt đến hai độ lệch chuẩn quá vạch ranh giới thông thường. WHO khẳng định, các tiêu chí để công bố dịch tay chân miệng rất khác nhau giữa các quốc gia nhưng thường liên quan đến sự gia tăng lớn về số lượng các ca mắc.
Với số ca mắc tăng đột biến, tỷ lệ biến chứng cao, nếu không ý thức đúng và đủ về tầm quan trọng, điều kiện công bố dịch tay chân miệng, nguy cơ rõ ràng là khó lường.
Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình KT-XH TPHCM tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2011, lãnh đạo Sở Y tế TP khẳng định: “Dịch bệnh tay chân miệng có chiều hướng giảm và trong tầm khống chế. Nếu như tháng 5 có 7 trường hợp tử vong thì sang tháng 8 chỉ còn 2. Nhưng dự báo vào tháng 9 – mùa tựu trường – dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn, lan rộng và gia tăng số ca tử vong. Dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại môi trường dân nhập cư, nhà giữ trẻ tư nhân do công tác vệ sinh không tốt”.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu các cơ quan chức năng, ngành y tế thực hiện các biện pháp kiềm hãm tốc độ lây lan của dịch; phối hợp hệ thống y tế ở cơ sở giám sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch ở địa phương. “Phải chủ động phòng ngừa dịch bệnh, không chờ dịch xảy ra rồi mới chống. Không được chủ quan đối với dịch bệnh tay chân miệng!”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.
V. ANH
Theo GIA PHÚ
(sggp)

Bình luận (0)