Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Chấm điểm môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Mọi trường đại học ở Mỹ đều thích được chiếm ngôi vị cao nhất trong bảng xếp hạng. Mới đây, Tổ chức xếp hạng của Princeton đưa ra thông báo hướng dẫn đến mọi trường đại học. Đánh giá xếp hạng từ nay sẽ bao gồm cả tiêu chuẩn “thân thiện với môi trường”, để có được điểm này các trường phải sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo, phục vụ những món ăn thân thiện với môi trường và phải quan tâm đến hiệu quả năng lượng của những tòa cao ốc.

Chạy đua vì thang điểm “xanh”

Đối với các trường đại học, bảo vệ môi trường không chỉ là hành động chung tay bảo vệ Trái đất mà còn là bảo vệ chính danh tiếng của mình. Theo một khảo sát của Tổ chức xếp hạng Princeton trên 10.300 sĩ tử Mỹ, 63% trong số đó thừa nhận trong những yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn đại học của mình có cả mức độ trách nhiệm của nhà trường đối với môi trường sống. Những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của học sinh cũng sẽ là những tiêu chuẩn để xếp hạng một trường học. Hiệp hội Vì sự phát triển bền vững ở bậc giáo dục đại học, bao gồm hơn 660 thành viên, hiện đang phát triển một thang điểm “xanh”, thang điểm đánh giá mức độ thân thiện với môi trường. Theo tổ chức này, ít nhất có đến sáu tổ chức khác cũng rất quan tâm đến thang điểm môi trường dành riêng cho các đại học.

Sáu cao ốc xanh, trong đó có tòa nhà của Trường Kinh tế Goizueta sử dụng ánh sáng mặt trời tự nhiên, khiến Đại học Emory trở thành một trong những trường thân thiện với môi trường nhất theo đánh giá Princeton

Các trường đại học được Tổ chức đánh giá Princeton cho điểm cao nhất là Đại học bang Arizona, Bates, Binghamton, Trường Atlantic, Harvard, Emory, Học viện Công nghệ Georgia, Đại học Yale, New Hampshire, Oregon và Washington.

Các trường đại học khắp nước Mỹ đang chạy đua để trở thành ngôi trường thân thiện với môi trường nhất. Họ tuyên bố một ngày không xa sẽ hoàn toàn bài trừ cacbon. Họ thuê những chuyên gia môi trường (trước đây một tháng chỉ có một vị trí công việc như thế này trên bảng tuyển dụng của nhà trường, nhưng giờ cứ mỗi tuần có đến năm vị trí công việc). Và rồi họ còn cạnh tranh với nhau để mua những nguồn năng lượng xanh.

Chỉ là bước khởi đầu

Trong khi các trường đại học đua nhau đánh bóng tên tuổi của mình như những nhà bảo vệ môi trường tích cực nhất, những chuyên viên giáo dục lại lo ngại các trường chỉ đang tiến những bước dễ dãi để đạt được tiếng tăm bề ngoài chứ không thực chất xúc tiến những công việc gai góc hơn, ví dụ như đổi hệ thống lọc khí, để thực sự giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Có những trường làm ít hơn là những điều hứa hẹn trong thông cáo báo chí, và theo như ông David W. Oxtoby, Hiệu trưởng Trường Pomona, cũng chẳng có phương tiện gì để đánh giá ai thực sự làm tốt còn ai chỉ nói suông.

Khái niệm “bền vững” không chỉ là những cuộc ganh đua xem ký túc xá trường nào dùng ít điện hay ít nước nhất, cũng không chỉ đồng nghĩa với tái chế. Bền vững là một khái niệm phức tạp, tốn kém và khó mà thực sự đạt được. Nó phải là một sự thay đổi hoàn toàn lối sống hằng ngày và đánh giá lại toàn bộ những cơ sở hạ tầng đang tồn tại.

Hãy kêu gọi sinh viên đòi hỏi những dụng cụ nhà bếp trực tiếp nấu ra những bữa ăn cho họ được chế tạo từ bột bắp (vì chúng có thể tự hủy được). Nhưng kêu gọi sinh viên tắt màn hình chờ hay tắm nhanh hơn cũng không tạo nên khác biệt gì lớn cho lắm. Hiệu quả thực sự đến từ những dự án lâu dài và không can dự nhiều đến sinh viên mà do những người điều hành nhà trường thực hiện.

Hãy nghĩ viễn cảnh một ngôi trường tự sản xuất năng lượng để tiêu thụ từ những nguồn nhiên liệu sạch, những nguồn năng lượng xanh, thậm chí là tự sản xuất điện từ năng lượng gió. Nhà trường cũng sẽ phải cải tạo lại các tòa nhà để tăng hiệu quả năng lượng, sử dụng thức ăn thừa làm phân bón, sử dụng xe hơi chạy điện và dùng dầu tái chế sau khi sử dụng để chiên khoai tây. Quan trọng nhất, nhà trường phải có những khóa học về phát triển bền vững để bồi đắp tri thức cho cả một thế hệ có trách nhiệm với môi trường.

Thang điểm đánh giá mức độ bảo vệ môi trường của Tổ chức đánh giá Princeton đang đánh thức sự quan tâm của công chúng ở một vấn đề ít được chú ý đúng mức trước đây. Người ta sẽ bắt đầu suy nghĩ về những trường đại học xanh. Và đây sẽ là bước khởi đầu cho những cuộc thảo luận nghiêm túc hơn về sau này.

Thanh Hằng


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)