Sáng 7-8, tại TP Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch – đầu tư nhằm bàn những nội dung quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước giai đoạn 2016 – 2020. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Thay đổi kiểu làm manh mún
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu rõ, cách làm kế hoạch hàng năm như lâu nay khiến một công trình phải mất 5 năm, thậm chí 7 đến 10 năm nhưng lại bố trí vốn hàng năm. Năm nay có vốn nhưng chưa biết năm sau được bố trí thêm bao nhiêu? Vấn đề quan hệ giữa vốn Trung ương, vốn địa phương như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn làm cho các địa phương cũng không chủ động được. Vì vậy lần này sẽ bố trí kế hoạch trung hạn, nghĩa là thay đổi từ cách làm manh mún hàng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm. Trên nền tảng đó, các ngành, địa phương sẽ lựa chọn ra những nội dung cần đầu tư để đạt được những mục tiêu đã xây dựng trong kế hoạch 5 năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị
Mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân tăng 6,5% – 7%/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống khoảng 1,5%/năm.
Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đều tán thành và đánh giá cao kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) được đưa ra thảo luận lần này. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, cho rằng: Đây là vấn đề lâu nay các địa phương hết sức quan tâm, giúp cho các địa phương chủ động, định hướng cụ thể để áp dụng hợp lý nguồn ngân sách trong việc đầu tư. Không những thế, nếu có kế hoạch trung hạn thì các địa phương sẽ ưu tiên chọn những dự án cấp thiết để đầu tư, tránh đầu tư dàn trải như lâu nay.
Cách tính GDP ở địa phương còn bất cập
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 ở thời điểm hiện tại mới đi được chặng đường 3,5 năm, việc triển khai xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến khó lường. Vì vậy, cần tập trung phân tích, dự báo, chủ động có các phương án phù hợp trong quá trình xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thời gian qua, đất nước ta đã bước đầu xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch đầu tư trung hạn; bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, mang lại nhiều lợi ích mà quan trọng nhất là các bộ, ngành địa phương biết được nguồn vốn phân bổ, trên cơ sở đó lựa chọn những danh mục ưu tiên để đưa vào kế hoạch, chủ động quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công; qua cách làm này cũng đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, phải xin đầu tư hàng năm tốn nhiều thời gian, gặp phiền hà.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong bước triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, đặc biệt vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung là tiếp tục đẩy mạnh thực kế hoạch đầu tư trung hạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Kế hoạch đầu tư trung hạn phải được thực hiện cả ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở, đảm bảo đầu tư công hiệu quả hơn, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thủ tục hành chính rườm rà.
Về nguồn vốn, các nguồn vốn cũng phải là trung hạn, trong đó có nguồn vốn ngân sách của cả Trung ương và địa phương; nguồn trái phiếu, có trái phiếu chính phủ và trái phiếu địa phương trên cơ sở tính toán an toàn nợ công, nợ quốc gia; nguồn thứ 3 là vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cũng phải tính trung hạn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng phải tính toán trung hạn; 16 chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang thực hiện có biểu hiện dàn trải, Chính phủ sẽ trình Trung ương rút và chỉ còn thực hiện 2 chương trình là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Về phương pháp tính tổng chỉ tiêu sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc tính tổng chỉ tiêu sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn có những điểm bất cập; những điểm không thích hợp… Để đảm bảo việc tính đúng, sát với thực tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, đề ra cách tính phù hợp, sát thực tế, đảm bảo tính khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo chương trình, hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 8-8.
NGUYỄN HÙNG
(SGGP)
Bình luận (0)