Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chăm lo tốt để giữ chân người lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhìn nhận như vậy tại buổi Cà phê doanh nhân lần thứ 58 chủ đề "An sinh xã hội cho người lao động và tổ chức sản xuất an toàn" do Hiệp hội DN TP HCM (Huba) tổ chức chiều 20-8.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Huba, cho biết thời gian qua, các DN đã dốc sức để cùng thành phố chăm lo an sinh xã hội. Dù vậy, cũng cần quan tâm, chăm lo cho người lao động đang làm việc hoặc đã nghỉ việc tại đơn vị mình thông qua các hoạt động phối hợp với MTTQ, các cơ quan, ban ngành ở địa phương. Chăm lo cho người lao động là chăm lo cho nguồn lực sản xuất, vì vậy DN cần chủ động tăng cường thực hiện công tác này để không người lao động nào đang gặp khó khăn mà bị bỏ sót.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP HCM, cho biết dù hệ thống Công đoàn TP đã rất nỗ lực chăm lo cho 107.000 người lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch và hỗ trợ hơn 250.000 người đang gặp khó khăn theo Nghị quyết 09 của thành phố nhưng không tránh khỏi việc bỏ sót một số trường hợp. Vì vậy, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa DN với hệ thống Công đoàn để công tác chăm lo, hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn trong đại dịch lần này được hiệu quả hơn.
"Nhiều DN đặt vấn đề sử dụng kinh phí Công đoàn tích lũy để chăm lo người lao động cũng như hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, Công đoàn cũng sẵn sàng và DN nên có tác động thêm" – ông Trung nói.
Liên quan đến việc tổ chức sản xuất an toàn, các DN đánh giá thành phố đưa ra 4 phương án tổ chức sản xuất cho DN là nỗ lực rất lớn, thể hiện sự quan tâm tạo điều kiện đặc biệt đối với DN, giúp cho DN có điều kiện xử lý linh hoạt hơn, thuận lợi hơn so với phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường – 2 điểm đến" đang thực hiện. Tuy nhiên, để DN vận dụng một phương án nào thì cũng còn rất nhiều khó khăn, bởi điều kiện nơi ở của công nhân, các phòng trọ và khu nhà trọ rất khó đáp ứng được yêu cầu về "nơi ở xanh".
Các ý kiến đóng góp của DN một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phủ vắc-xin cho người lao động, đặc biệt là công nhân lao động tại các DN sản xuất hàng hóa thiết yếu.
Một số DN đề xuất thành phố sớm có hướng dẫn cụ thể phương thức sản xuất an toàn cho DN. "Công ty chúng tôi muốn luân chuyển người lao động nhưng chưa biết cách thực hiện, rất cần cơ quan chức năng hướng dẫn" – bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐQT Công ty Mebipha, nêu ý kiến. Theo bà Ái, Mebipha vẫn thực hiện 3 tại chỗ bởi đây là giải pháp bảo đảm an toàn nhất cho DN trong bối cảnh hiện nay. Để kéo dài thời gian "3 tại chỗ", DN buộc chăm lo an sinh xã hội cho người lao động đang thực hiện "3 tại chỗ" để họ yên tâm hơn.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh – Bidrico, thừa nhận DN rất khó kiếm lợi nhuận khi thực hiện "3 tại chỗ" vì chi phí cao, cán bộ – công nhân viên căng thẳng… Dù vậy, đây là giải pháp cần duy trì để bảo đảm chuỗi sản xuất – cung ứng không bị đứt gãy, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Thanh Nhân (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)