Ngay trong trận mưa đầu mùa tại TP.HCM, 2 cây xanh lớn trong khuôn viên Trường THPT Ngô Quyền (quận 7) đã gãy đổ, bật gốc. Sự việc một lần nữa phát đi cảnh báo về tính cấp thiết của việc rà soát, kiểm tra, “thăm khám” thường xuyên cây xanh trong trường học…
Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đốn hạ cùng lúc 3 cây phượng do thân cây bị mục ruỗng
Cảnh báo nguy cơ mùa mưa bão
“Trong trận mưa đầu mùa mới đây, 2 cây xanh trong trường là cây me tây và cây phượng có tuổi đời khoảng 20 tuổi đã bị bật gốc, gãy đổ. Dù trước đó, nhà trường đã mé nhánh cây, cành. May mắn là khi đó học sinh đang học nên không có học sinh, giáo viên, nhân viên nào của nhà trường bị thương” – thầy Nguyễn Hữu Trí – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ.
Theo thầy Trí, hàng năm vào dịp hè trường đều phối hợp với đơn vị dịch vụ công ích quận 7 để kiểm tra, tỉa nhánh, cành, đốn hạ cây xanh có nguy cơ gãy đổ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã rà soát lại toàn bộ hệ thống cây xanh trong trường cũng như cơ sở vật chất để xử lý, hạn chế thấp nhất các nguy cơ mất an toàn cho học sinh, giáo viên trong mùa mưa bão.
Sự việc này một lần nữa phát đi cảnh báo về nguy cơ mất an toàn trường học trong mùa mưa bão với cây xanh. Trước đó, nhiều trường tại TP.HCM cũng đã tiến hành phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra cây xanh trong trường học. Nhiều trường đã tiến hành đốn hạ những cây xanh có nguy cơ gãy đổ để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên và phụ huynh…
Đơn cử như Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đã phải tiến hành đốn hạ cùng lúc 3 cây phượng có tuổi đời trên 60 năm sau khi phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát. Điều đáng nói là 3 cây phượng này nếu nhìn bằng mắt thường thì có thể thấy vẫn đang phát triển tươi tốt, cành lá xanh um, trổ hoa đỏ rực rỡ. Tuy nhiên, khi đốn hạ thì trong thân đã mục ruỗng, 2 người có thể chui vào được…
“Nhà trường vô cùng bất ngờ bởi nếu nhìn bằng mắt thường thì không thể nói là những cây phượng đang phát triển xanh tươi này lại là những cây có vấn đề. Vì vậy, tôi cho rằng để kiểm tra cây xanh trong trường, đảm bảo an toàn cho học sinh giáo viên nhà trường thì chỉ có thể phối hợp với đơn vị có chuyên môn chứ không thể kiểm tra, thẩm định bằng mắt thường được. 3 cây phượng này sau khi đốn bỏ sẽ được trường nghiên cứu thay thế trồng bằng các loại cây dây leo, vừa tạo bóng mát, cảnh quan, mảng xanh, vừa đảm bảo an toàn…” – thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay.
Trường THPT Marie Curie (quận 3) cũng đã gửi văn bản lên Sở Xây dựng, Sở GD-ĐT xin ý kiến phối hợp về việc kiểm tra 12 cây sọ khỉ cổ thụ trong khuôn viên trường do rễ các cây có hiện tượng bị mục, có nguy cơ ngã đổ, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên nhà trường, nhất là trong mùa mưa bão này.
Thầy Nguyễn Vân Yên – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, theo quy định thì những cây xanh trong khuôn viên trường mà thuộc cây di sản, cây của thành phố quản lý thì nhà trường không thể tùy tiện tự xử lý mà phải có văn bản gửi các đơn vị chức năng liên quan để yêu cầu phối hợp, đánh giá, kiểm tra tình trạng cây xanh, từ đó tư vấn cho trường hướng xử lý các cây xanh phù hợp nhất, làm sao vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên học tập rèn luyện, vừa đảm bảo mỹ quan nhà trường, nhất là trước mùa mưa bão như hiện nay…
Khó khăn về kinh phí
Mặc dù xác định việc chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ nhằm tạo mảng xanh, cảnh quan nhà trường mà còn đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trong trường, song khó khăn của các đơn vị trường học công lập hiện nay là vấn đề kinh phí.
“Kinh phí chăm sóc cây xanh quá lớn. Hiện, chỉ riêng việc tỉa cành, lá cây xanh trong khuôn viên trường nhà trường đã tốn kinh phí lên đến trên 80 triệu đồng. Nguồn kinh phí này đang được trường co kéo, cân đối để đảm bảo…” – thầy Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie cho hay.
Bài toán kinh phí chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh trong trường học đang là bài toán khó với các nhà trường
Tương tự, đại diện Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức) kể, khi nhà trường muốn hợp đồng thường xuyên với đơn vị dịch vụ chăm sóc cây xanh theo định kỳ nhưng đặt vấn đề thấy kinh phí quá lớn, chưa biết cân đối nguồn kinh phí ở đâu. Chỉ riêng việc đốn hạ một cây xanh do có nguy cơ gãy đổ, kinh phí đã lên đến vài chục triệu đồng.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận 1 cho hay, khi nhà trường mời đơn vị cây xanh về kiểm tra, thẩm định thì chi phí để tỉa lá, cành, chặt bỏ cây có vấn đề quá cao. Vì vậy, trường phải mời một đơn vị tư nhân với kinh phí thấp hơn để xử lý vấn đề này…
“Việc chăm sóc, kiểm tra, rà soát cây xanh là một vấn đề chuyên môn sâu mà nhà trường không thể chủ quan được. Tuy nhiên, hiện nay kinh phí cho vấn đề này quá lớn, đơn vị sự nghiệp công lập như trường học rất khó để co kéo nguồn chi” – vị này bày tỏ.
Về vấn đề bài toán kinh phí trong chăm sóc, kiểm tra cây xanh trong trường học, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho hay, hàng năm Sở GD-ĐT đều có chỉ đạo việc lên dự toán chăm sóc cây xanh, phối hợp, hợp đồng với các đơn vị có chức năng để chăm sóc cây xanh theo phân cấp quản lý Nhà nước. Nhà trường hoàn toàn được sử dụng kinh phí chi thường xuyên của trường, các nguồn tài trợ, viện trợ từ xã hội hóa.
Các đơn vị trường học có cây xanh tuổi đời lâu năm, cây cổ thụ thuộc danh mục thành phố quản lý thì càng phải nghiêm túc trong việc lên kế hoạch bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh. Lập kế hoạch gửi về đơn vị quản lý để được hướng dẫn sử dụng kinh phí.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)