Cơ sở hạ tầng tại các bến xe tốt cũng là một cách chăm sóc tài xế mau phục hồi sức khỏe để phục vụ hành khách. Ảnh: I.T |
Luật giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, trong đó có quy định về trạm dừng – nghỉ công cộng và xem đó là một phần của kết cấu hạ tầng GTĐB. Mục đích chính được đặt ra là nhằm cung cấp các dịch vụ phi lợi nhuận, hỗ trợ cho công tác an toàn giao thông (ATGT), hỗ trợ công tác quản lý đường bộ đạt hiệu quả hơn. Song song đó, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người sử dụng đường bộ và góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.
Phương án đảm bảo an toàn giao thông
Vì mục đích đảm bảo an toàn giao thông cho các tài xế lái xe đường dài, đồng thời hỗ trợ cho công tác quản lý đường bộ mà sự tham gia của Nhà nước vào lĩnh vực xây dựng các trạm dừng – nghỉ đường bộ dọc trên các tuyến xa lộ, quốc lộ là rất cần thiết trong cả giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác. Bên cạnh đó cũng cần sự tham gia của tư nhân trong đầu tư xây dựng, quản lý khai thác một phần hoặc toàn bộ trạm dừng – nghỉ; Nhà nước cần khuyến khích nhiều thành phần cùng tham gia các hoạt động thương mại song hành song song với sự giám sát của cơ quan chức năng.
Từ quy định trên cho thấy vấn đề xây dựng một hệ thống các trạm dừng – nghỉ đường bộ đang được các đơn vị đề xuất như: Những vấn đề cơ bản nhất của việc quy hoạch cũng được cơ quan chức năng nghiên cứu. Theo đó, căn cứ vào lưu lượng giao thông và nhu cầu dừng nghỉ của vận tải trên từng tuyến đường cụ thể, căn cứ điều kiện bố trí mặt bằng xây dựng, vị trí thu hút khách cụ thể của từng địa phương, hành trình chạy xe và khoảng cách dừng nghỉ của lái xe theo Luật GTĐB thì người lái xe làm việc liên tục không được vượt quá 4h phải dừng – nghỉ (tương đương khoảng 200km) để bố trí quy hoạch trạm dừng – nghỉ đường bộ công cộng cho phù hợp. Như vậy, ước tính cứ khoảng 200km bố trí một trạm, ở mỗi tỉnh thành có một trạm dừng – nghỉ đường bộ công cộng. Mục tiêu này sẽ hoàn thành vào năm 2015, lúc đó trên toàn quốc sẽ có khoảng 80 trạm dừng – nghỉ đường bộ công cộng. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 160 trạm, cứ 100 km xây dựng một trạm dừng- nghỉ đường bộ công cộng. Những cơ chế tạo nguồn vốn, ưu đãi thuế, cơ chế quản lý, khai thác… cũng đang bắt đầu được đề xuất cho mục tiêu này.
Trạm dừng – nghỉ hoạt động như thế nào?
Theo điều tra của JICA – cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cho thấy có đến gần 80% số người được điều tra cho rằng các nhà vệ sinh của các cơ sở tư nhân hiện có ven đường là tồi tệ và kinh khủng. |
Theo quy định thì tại trạm dừng – nghỉ đường bộ phải có hệ thống các công trình phụ bao gồm: nơi trưng bày, bán các sản phẩm của địa phương, nơi tổ chức các sự kiện của địa phương và công trình bổ sung như cửa hàng ăn uống giải khát, bán đồ lưu niệm hoặc hàng hóa, nơi lưu trú, cây xăng, trạm sửa xe… (nhưng không được xem đó là hệ thống công trình chính của trạm). Đặc điểm chính đầu tiên của trạm dừng – nghỉ công cộng là công trình dịch vụ phi thương mại có sự liên hệ mật thiết giữa giao thông đường bộ với cộng đồng địa phương. Do đó hệ thống công trình chính của trạm là các công trình cung cấp dịch vụ phi thương mại giúp lái xe và hành khách nghỉ ngơi, thư giãn nhằm loại bỏ những mệt mỏi khi lái xe để có được chuyến đi thoải mái hơn, gồm: bãi đỗ xe đủ lớn và tiện lợi, phòng nghỉ rộng rãi, thoáng mát có ghế ngồi, quạt mát, vườn hoa cây cảnh đẹp mắt, nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại, nơi rửa chân tay mặt mũi tiện nghi, phòng thông tin giúp kiểm tra tình trạng đường sá, giao thông, du lịch, lịch sử, văn hóa, sự kiện, thời tiết tại địa phương.
Tuy nhiên, các dịch vụ chính này của trạm là miễn phí và phi lợi nhuận, chính là mảng dịch vụ mà doanh nghiệp tư nhân không hứng thú, không đầu tư thỏa đáng cho các nhu cầu của hành khách và lái xe đi đường dài. Các cơ sở ăn uống dọc đường hiện tại dọc các tuyến đường, đều nhằm mục đích thương mại. Dịch vụ tại những cơ sở này không thực sự làm hài lòng người sử dụng, đặc biệt không có không gian nghỉ ngơi, không có nước sạch rửa tay, rửa mặt, nơi đại tiểu tiện tạm bợ, điều kiện vệ sinh cực kì kém.
Như Thủy
Bình luận (0)