“TP.HCM có khoảng 500.000 ca mắc Covid-19 (chiếm khoảng 5% dân số của TP), trong đó có hơn 300.000 người đã xuất viện. Do vậy, các nhu cầu được chăm sóc về sức khỏe hậu Covid-19 là đáng quan tâm”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành y tế TP…
Bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 6 đang thăm khám cho bệnh nhân Covid-19
Bệnh nhẹ cũng xuất hiện hội chứng hậu Covid
BS Dũng cho biết, các kết quả nghiên cứu cho thấy có 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid-19 ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính bệnh; 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
“Hội chứng hậu Covid-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh nặng cần nhập viện hoặc lớn tuổi có bệnh nền, mà còn gặp ở những người trẻ tuổi, khỏe mạnh và mắc bệnh nhẹ”, BS Dũng nói.
Theo BS Dũng, tác động lâu dài của Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, phổi, da, tâm thần, tim mạch. Người bệnh hậu Covid-19 còn phải đối mặt với mệt, đau cơ, đau khớp, bệnh thần kinh ngoại biên, thiếu máu ngoại biên chi. Tác động của “hội chứng hậu Covid-19” không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà còn tác động đến công việc, xã hội và kinh tế. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 là việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay, với các chiến lược tiếp cận sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội; chiến lược can thiệp sớm với việc điều trị, chăm sóc sớm cho người mắc hội chứng hậu Covid-19.
Thời gian tới, ngành y tế TP.HCM sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu nhiễm Covid-19, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu Covid-19, đặc biệt tại các tuyến y tế cơ sở. Đồng thời xây dựng hướng dẫn điều trị hậu Covid-19 theo các phân tuyến điều trị với các mô hình từ trạm y tế đến bệnh viện quận, huyện, bệnh viện TP. Trong đó y tế cơ sở (trạm y tế phường, xã) đảm nhận chăm sóc nhóm người bệnh hậu Covid-19 mức độ nhẹ; tiếp cận, phát hiện các vấn đề sức khỏe; quản lý chăm sóc; tư vấn từ xa. Cùng với đó là điều trị bằng phương pháp thực dưỡng, phương pháp điều trị không dùng thuốc, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền. Đối với bệnh viện tuyến quận, huyện thực hiện chăm sóc nhóm người bệnh Covid-19 mức độ trung bình; khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng… Đối với bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối có trách nhiệm chăm sóc nhóm người bệnh Covid-19 mức độ nặng; khám và điều trị chuyên khoa sâu (hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng…), nghiên cứu khoa học, xây dựng phác đồ điều trị.
Lo cho đối tượng có nguy cơ cao
Cũng tại hội nghị, điểm lại hoạt động phòng, chống dịch trong năm 2021, TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP – cho biết, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9, TP trải qua 3 giai đoạn giãn cách xã hội. Trong thời điểm ấy, TP đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch. Các biện pháp thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Trong hoạt động phòng, chống dịch đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay như việc áp dụng mô hình “tháp 3 tầng” trong phân tầng điều trị Covid-19; chăm sóc F0 tại nhà; trạm y tế lưu động; tư vấn F0 từ xa qua tổng đài “1022”; cải biến xe vận chuyển hành khách và xe taxi trở thành xe vận chuyển người bệnh; mô hình “Tổ y tế từ xa”; “Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng”; mô hình bệnh viện “chị – em”; “Bệnh viện dã chiến 3 tầng”; mô hình “H.O.P.E” chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm SARS-CoV-2 của Bệnh viện Hùng Vương…
“Bước sang tháng 11, số ca mắc mới tại TP.HCM tăng trở lại. Số bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải thở máy xâm lấn và tử vong đều tăng. Trước tình hình này, ngành y tế TP đã nhanh chóng đề ra các giải pháp can thiệp; trong đó củng cố 2 trụ cột chăm sóc bệnh nhân Covid-19, gồm: tăng cường quản lý F0 tại nhà và thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch (kích hoạt mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, tổ chức đào tạo nhân sự chuyên ngành hồi sức Covid-19). Dựa trên phân tích đặc điểm ca nặng và tử vong, ngành y tế TP đã đề xuất triển khai “chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” với 637.806 người. Sau 1 tháng triển khai, số ca tử vong giảm. Ngành y tế đã tổ chức tiêm vắc-xin cho 13.874 người/25.333 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm; 4.591 F0 được chăm sóc điều trị tại nhà; 811 F0 được chuyển cơ sở thu dung điều trị và 4.591 F0 được cấp phát thuốc kháng virus”, BS Châu thông tin.
Thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, ngành y tế TP đề ra 5 mục tiêu. Đó là, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức khống chế dịch bệnh hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên địa bàn TP, phòng chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Phát triển và nâng cao năng lực y tế cơ sở trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo độ bao phủ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân TP, hướng đến mỗi người dân đều có một hồ sơ sức khỏe điện tử. Tiếp tục phát triển kỹ thuật chuyên sâu, đầu tư cơ sở hạ tầng, phấn đấu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và trong khu vực. Phát triển nguồn nhân lực y tế, cả về số lượng và chất lượng, cả về chuyên môn và quản lý, đáp ứng yêu cầu tự chủ tài chính trong tình hình mới… |
Và đến nay, với sự nổ lực của ngành y tế, chính quyền các cấp, người dân TP.HCM đã được sống trong vùng xanh (cấp độ 1 trong số 4 cấp độ của dịch bệnh Covid-19). Số ca nhiễm mới hàng ngày giảm mạnh, đặc biệt số ca tử vong chỉ còn hơn 10 ca/ngày.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho rằng, hiện TP có khoảng 25.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, chỉ còn 1/4 số bệnh nhân so với những ngày cao điểm là 90.000 bệnh nhân. Tính đến nay, TP đã tiêm được khoảng 19 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho cả mũi 1, 2 và 3. Từ nay đến trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành y tế TP cố gắng tiêm thật nhiều vắc-xin Covid-19, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao.
“TP đồng ý với ngành y tế về kế hoạch sẽ dành cả năm 2022 lo cho đối tượng có nguy cơ cao và mở rộng đối tượng này cho những người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền, thay vì từ 65 tuổi như hiện nay. Ngoài ra, ngành y tế sẽ tiếp tục quan tâm đến lực lượng công nhân lao động, lực lượng tuyến đầu phát triển kinh tế. Năm 2022, lãnh đạo TP hy vọng toàn ngành y tế sẽ phát huy tốt những thành quả đã đạt được và tiếp tục gặt hái những thành công tốt hơn nữa. Từ đó, giúp cho TP thật sự bền vững trong vùng xanh”, ông Đức nhấn mạnh.
N.Trinh – K.Anh
Bình luận (0)