Tham gia chấm thi THPT quốc gia nhiều năm, chúng tôi thấy, để việc chấm thi giữa các địa phương đều tay, có sự công bằng cho thí sinh (TS), Bộ GD-ĐT cần chú ý ngay từ khâu ra đề thi.
Năm nay, đề thi môn văn phải vừa sức với TS thi để xét tốt nghiệp là chủ yếu vừa phải có tính phân loại để xét tuyển đại học. Cho nên các câu hỏi phải thật sự tường minh, rõ ràng. Phải có những câu hỏi mở để đánh giá sự sáng tạo, kích thích tư duy cá nhân TS nhưng nên tránh những câu hỏi quá mở, mơ hồ, câu hỏi gây tranh luận trái chiều hoặc có quá nhiều phương án trả lời. Ra đề thi là ngầm đối thoại với TS, không phải một lớp, một trường, mà là cả nước. Vì thế, từ việc lựa chọn văn bản đọc hiểu thế nào, bàn về vấn đề xã hội gì, đề thi cũng phải đảm bảo sự hài hòa đó.
Đáp án chấm phải nên chi tiết, rõ ràng, phải lường trước được tình hình thực tế bài làm của TS để đưa ra các lưu ý chấm với thang điểm cụ thể, thống nhất toàn quốc. Đã có năm trước đây, khi giám khảo chấm được gần 1/3 số lượng bài thì Bộ điều chỉnh đáp án chấm. Điều này đã gây ra sự không đồng đều giữa các bài thi chấm trước và sau, vì không thể chấm lại số bài đã chấm. Mặc dù có thanh tra của Bộ giám sát, song khó có thể khẳng định có sự đồng bộ, đều tay giữa các địa phương được vì nó tùy thuộc vào việc chấm thoáng, hay chấm chặt tay của từng giám khảo, từng hội đồng.
Ngoài ra, muốn có sự công bằng cao, bên cạnh xây dựng đáp án chấm, Bộ cần có phiếu chấm thật chi tiết cho từng giám khảo và cần tăng cường việc chấm thanh tra để điều tiết tình hình chấm nếu thấy bất thường về điểm số.
Theo TNO
Bình luận (0)