Trong các điểm yếu của thí sinh đối với bài làm môn văn, có một điểm yếu khiến cho phổ điểm của môn này năm nay hạn chế, đó chính là kỹ năng làm bài tích hợp ở câu nghị luận văn học.
Thí sinh vui vẻ sau khi làm xong bài thi môn văn (ảnh chụp tại Hội đồng thi Trường THPT Diên Hồng, TP.HCM). Ảnh: Y.Hà |
Nhiều băn khoăn đã được hóa giải
Trước khi khâu chấm thi tiến hành, chúng tôi đã từng băn khoăn trên các số báo trước về sự công bằng cho thí sinh. Trong đó nhiều nhất là sự thiếu thống nhất ở các hội đồng chấm do đáp án quá mở, nhiều ý chung chung, thiếu chi tiết. Băn khoăn đó đã có phần được hóa giải, bởi lẽ năm nay chỉ còn môn văn chấm tự luận, nên việc chấm thi có điều kiện để diễn ra nghiêm ngặt, chặt chẽ, đảm bảo tính công bằng nhiều hơn. Đặc biệt là trong khâu thống nhất đáp án chấm. Bộ GD-ĐT đã chủ động trong khâu chấm thanh tra, thậm chí không phải rút ra một số bài, mà chấm cả xấp để đưa ra tiếng nói chung, nhằm thống nhất một cách chấm. Đó là động thái tích cực.
Chẳng hạn tại hội đồng chấm ở TP.HCM, một số câu hỏi của đáp án chấm đã được cụ thể hóa. Ví dụ phần đọc hiểu, với câu 1 (nhận biết về phương thức biểu đạt), trước đây giám khảo có thể cho điểm tuyệt đối (0,5 điểm) nếu thí sinh trả lời may rủi 2 phương án, trong đó có 1 phương án đúng. Thì nay đáp án chỉ chấp nhận cho 0,5 điểm nếu thí sinh trả lời 2 phương án (trong đó có phương thức nghị luận) và 1 phương án khác, nhưng phải được diễn đạt theo cách “phương thức A, ngoài ra còn có B”.
Hoặc như câu viết đoạn văn 200 chữ, nhiều bài viết quá ngắn hoặc quá dài không theo yêu cầu, viết thành bài văn chứ không phải đoạn văn, sẽ bị trừ điểm về hình thức, bố cục (ít nhất là 0,25 điểm). Phần này trước đây chưa có sự thống nhất. Mà theo cảm tính cá nhân, nếu bài làm dài mà hay thì thường giám khảo không trừ điểm. Thí sinh cần chú ý các mặt này để lượng trước điểm bài làm mà quyết định làm đơn phúc khảo.
Một điểm băn khoăn nữa là trước khi chấm, nhiều ý kiến tranh luận về đề tài “thấu cảm”, sợ sẽ gây khó dễ cho thí sinh khi làm bài. Song, theo quan sát của chúng tôi, vấn đề này không gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng bài làm, vì thí sinh chỉ cần bám sát văn bản đọc hiểu đã có sự gợi ý rất rõ ràng của tác giả.
Yếu về kỹ năng làm văn tích hợp
Từ nhận xét của giám khảo trực tiếp chấm thi, chúng tôi thấy bài làm của thí sinh có những lỗi phổ biến sau. Ở câu 1, phần đọc hiểu, nhiều thí sinh không có điểm do trả lời sai phương thức biểu đạt, vì kiến thức tiếng Việt không chắc, bị nhầm lẫn với phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận. Hoặc ở câu 4 của phần đọc hiểu, hầu hết thí sinh không đạt điểm tuyệt đối (1 điểm). Do mơ hồ về khái niệm, hoặc thiếu chặt chẽ khi bàn về mối quan hệ giữa lòng trắc ẩn và sự thấu cảm. Phần lớn chỉ đạt ở mức điểm 0,25/0,5; cao nhất là 0,75 điểm.
Ở câu viết đoạn văn 200 chữ, ít bài có tính sáng tạo nên điểm cũng không cao. Nhiều bài viết không theo yêu cầu nên mất điểm. Nhìn chung câu này rất hiếm bài đạt điểm tuyệt đối (2 điểm), mà đa số ở mức 1,0 đến 1,25 điểm. Yếu nhất là ở câu 2, phần phân tích đoạn thơ và bình luận. Câu này có thang điểm là 5 điểm, nhưng hầu hết thí sinh chỉ đạt được nửa số điểm (2,5 điểm). Thí sinh chủ yếu diễn xuôi thơ, viết vòng vo dài dòng mà không làm nổi bật được ý trọng tâm. Còn phần bình luận không làm được, hoặc làm sơ sài. Nhiều thí sinh viết dở dang ở phần thân bài, thiếu kết luận. Vì thế bài làm mất cân xứng, thiếu chiều sâu. Điều này cho thấy thí sinh còn yếu về kỹ năng làm bài tích hợp.
Đáng chú ý là, năm sau, trong cấu trúc nội dung đề thi gồm cả chương trình lớp 11, nên chắc chắn câu hỏi này sẽ đa dạng, phong phú hơn. Vì vậy, thí sinh của mùa thi năm tới cần chú ý.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)