Ghi nhận của PV về việc chấm thi THPT quốc gia đến hết ngày 3.7 ở một số địa phương cho thấy môn ngữ văn có phổ điểm từ 4,5 – 7, rất ít bài được 8 điểm trở lên.
Các giám khảo chấm vòng 1, vòng 2 sau khi chấm xong đang thảo luận thống nhất điểm. TUỆ NGUYỄN
Ngày 3.7, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã kiểm tra công tác chấm thi tại 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.
Chủ yếu 4 – 7 điểm
Thanh Hóa là tỉnh có số lượng bài thi lớn, chỉ sau Hà Nội và TP.HCM, với gần 35.000 bài thi tự luận, 102.000 bài trắc nghiệm. Ông Hoàng Văn Thi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết toàn tỉnh huy động 221 giáo viên chấm môn ngữ văn. “Do tỉnh có nhiều trường THPT nên việc lựa chọn giám khảo phải rất kỹ lưỡng. Mỗi trường chỉ chọn 2 – 3 giáo viên có năng lực và trách nhiệm. Có trường hợp giáo viên do nhà trường đề cử nhưng Sở không chọn vì năm trước đã chấm thi với trách nhiệm chưa cao”, ông Thi cho hay.
Theo tính toán, mỗi giám khảo của Thanh Hóa sẽ chấm hơn 300 bài thi. Ngày 2.7, tỉnh này bắt đầu chấm tự luận. Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng Khảo thí, cho biết đã chấm được khoảng 30% bài thi môn ngữ văn (vòng 1). Dự kiến ngày 7.6 sẽ thống nhất điểm và tiến hành chấm kiểm tra.
Ghi nhận cho thấy, nhiều giám khảo cho biết đa số các bài thi đạt 4,5 – 7 điểm, ít điểm 8. Tuy nhiên, theo một giám khảo, đã có bài được 9 điểm sau vòng chấm thứ nhất. Bài thi này được cả phòng chấm nhận xét là xứng đáng được 9 điểm.
Tại Ninh Bình, bà Hà Thị Lan Hương, Phó trưởng ban chấm thi tự luận, cho biết bài được điểm cao nhất đến hết ngày 3.7 là 8,5 điểm, bài thấp nhất 1,25 điểm. Phổ điểm chủ yếu là từ 5 – 7 điểm. Theo bà Lan Hương, so với năm ngoái, năm nay mức điểm thấp hơn. Thí sinh mất điểm chủ yếu ở phần nghị luận văn học, đề yêu cầu viết về hình tượng sông Hương qua một đoạn trích nhưng nhiều học sinh diễn xuôi đoạn trích hoặc nói về cả tác phẩm.
Bà Lan Hương cũng đánh giá đáp án môn ngữ văn năm nay chi tiết hơn đến 0,25 điểm. Điều này vừa dễ nhưng cũng có những khó khăn nhất định vì chấm văn không như chấm toán, nếu chia quá nhỏ đáp án sẽ có những ý sáng tạo của học sinh không dễ chia ra như vậy. Tuy nhiên, giám khảo được quán triệt phải chấm thật kỹ, trân trọng từng câu chữ trong bài làm của thí sinh.
Ông Phạm Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, cho biết việc chấm kiểm tra 5% sẽ chấm cả những bài điểm cao hoặc thấp quá, những bài có kết quả “chấp chới”. Theo ông Toàn, dự kiến ngày 9.7, Ninh Bình sẽ hoàn tất chấm thi.
Các bài điểm cao đều chấm 5 vòng
Tình hình tương tự ở Bắc Kạn, Cao Bằng khi điểm văn năm nay không cao bằng năm ngoái. Tất cả những bài điểm cao đều được chấm kiểm tra, có bài được chấm tới 5 vòng.
Hôm qua (3.7), trao đổi với đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT, ông Đoàn Văn Hương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn, Trưởng ban chấm thi tự luận, cho biết để tổ chức chấm bài thi tự luận, Sở đã điều động 38 thầy cô ở các trường THPT trên toàn tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ chấm thi. Trước khi chia bài cho từng giám khảo, sáng 30.6, Sở đã tổ chức chấm bài chung tại hội trường cho toàn thể các thầy cô với 10 bài thi. Chấm chung 10 bài thi này xong, ban chấm tự luận lại rút ra thêm 20 bài nữa để chấm chung theo nhóm. “Điểm thi của 30 bài chấm chung không cao. Trong số này, có đến 20 bài thi dưới điểm trung bình, bài điểm cao nhất là 7,5”, ông Hương thông tin.
Còn ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn, cho biết: “Hiện nay, tổ chấm thi tự luận bắt đầu chuyển sang chấm vòng 2. Qua các bài đã chấm, quãng điểm đủ từ 1 đến 8, nhưng chưa nhiều điểm 8. Mức điểm phổ biến là điểm trung bình. Hiện chưa có em nào bị điểm liệt”.
Theo ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng, hiện đã có 2 bài văn được điểm 9. Cả 2 bài này, các giám khảo vòng 1 và vòng 2 đều cho điểm thống nhất. Sau đó lại qua 2 vòng chấm kiểm tra nữa, cả 2 bài cũng đều được các cán bộ chấm kiểm tra đồng thuận cho 9 điểm.
Ông Dương nói: “Đến nay tỉnh này đã chấm xong được khoảng 1/4 số bài trong tổng số 4.659 bài thi tự luận của toàn tỉnh. Qua những bài đã chấm xong cho thấy phổ điểm trải đều từ 1 tới 9. Cũng có bài đã bị điểm liệt, nhưng rất ít. Bài từ điểm 8 đến 9 cũng rất ít. Điểm 5 – 6 là nhiều nhất. Năm nay, đề thi được thầy cô đánh giá khó hơn năm ngoái một chút, nên thí sinh làm bài không tốt bằng”.
Ông Dương cho biết thêm: “Với khâu chấm kiểm tra, chúng tôi cũng thực hiện 2 vòng. Vì thế, có rất nhiều bài thi điểm cao (từ 7 trở lên) được qua tới 4, thậm chí 5 tay chấm. Sở dĩ có những bài phải qua tới 5 lần chấm vì sau 2 vòng chấm độc lập ban đầu phải cần tới người thứ 3 chấm do điểm của 2 vòng đầu bị chênh nhau (từ 1 điểm trở lên). Đến lượt chấm kiểm tra lại có thêm 2 vòng chấm nữa”.
Đang sửa lỗi bài trắc nghiệm
Phụ trách chấm thi trắc nghiệm của Thanh Hóa là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với khoảng 102.000 bài thi. Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết khu vực chấm thi được đặt 5 máy phá sóng, an toàn, an ninh được thắt chặt. Khoảng 0,6% trong tổng số 102.000 bài thi của thí sinh Thanh Hóa mắc lỗi về tô số báo danh, mã đề… Những lỗi này bắt buộc phải sửa, nếu không sửa thì phần mềm sẽ không tiến hành chấm thi. Có 1 bài thi không ghi gì và đã được ban chấm thi lập biên bản coi như trường hợp bất thường. Dự kiến, ngày 4.7 sẽ tiếp tục sửa lỗi. Ngày 5.7 sẽ tiến hành chấm và muộn nhất sẽ kết thúc chấm trắc nghiệm ngày 7.7. Ông Tớp đánh giá cao về phần mềm chấm trắc nghiệm năm nay, người chấm không biết thông tin của thí sinh vì phần mềm mã hóa phách rất hiệu quả.
Tại Ninh Bình, lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đơn vị phụ trách chấm thi trắc nghiệm của tỉnh này, cho biết có 499/25.766 phiếu trả lời trắc nghiệm cần phải sửa lỗi thông thường. Dự kiến ngày 4.7 sẽ tiến hành chấm bài và hoàn thành trước ngày 9.7 như kế hoạch của tỉnh.
|
Tránh chấm vội để chạy tiến độ ở giai đoạn cuối
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lưu ý các địa phương dù tiến hành chấm theo hình thức cuốn chiếu hay hết vòng 1 rồi mới đến vòng 2 thì cũng phải đảm bảo tuân thủ chấm 2 vòng độc lập và chấm kiểm tra ít nhất 5% bài thi. Chú ý chọn hài hòa cả điểm cao lẫn điểm thấp để chấm kiểm tra để xem có việc chấm chặt, chấm lỏng hay không. “Giai đoạn cuối của việc chấm thi tự luận cũng cần hết sức tập trung, tránh trường hợp chấm vội hoặc 2 vòng chấm nếu có vênh điểm cũng nhanh chóng thống nhất để thống nhất điểm cho kịp tiến độ, dẫn tới thiệt thòi, thiếu công bằng trong kết quả của thí sinh”, ông Độ nhấn mạnh.
Đoàn kiểm tra do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chấm thi tại các địa phương Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn. Tại các địa phương này, ông Trinh đều lưu ý 5 vấn đề chung, yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện: Bảo đảm cách ly cán bộ trong khâu làm phách theo đúng quy định. Nghiêm túc chấm 2 vòng độc lập. Bốc thăm để phân chia túi bài thi cho cán bộ chấm thi. Chấm kiểm tra tối thiểu 5%, nhất là những bài điểm cao. Bảo đảm nhập điểm 2 vòng độc lập.
|
Theo Tuệ Nguyễn – Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)