TS xem lại bài sau buổi thi môn địa tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: D.B |
TS Hoàng Quỳnh Ngân, HĐT Trường THPT Tân Bình cho biết: “Trước ngày thi, mặc dù đã được thầy cô và nhiều người khuyên là không nên “nhét” thêm kiến thức, nhưng em không dám lơ là vì cảm thấy không yên tâm với những kiến thức mình có. Thậm chí, khi vào phòng thi em đã khóc vì sợ. Nhưng trải qua ba ngày thi, em cảm thấy rất tự tin về bài làm của mình. Kì thi tốt nghiệp THPT thật ra không đáng sợ như em tưởng”. Ghi nhận của PV tại nhiều HĐT cho thấy, kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, phần lớn TS hài lòng với đề thi và kết quả mình làm được. “Đây là kì thi dành cho đại trà học sinh đã học qua chương trình trung học bậc phổ thông và GDTX nên bài thi chủ yếu kiểm tra những kiến thức đã được học và thực hành. Do đó đề thi ra để hầu hết những em có học lực trung bình có thể làm được”, TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định.
Kết thúc ngày thi thứ 3, TP.HCM có thêm 34 trường hợp TS bỏ thi. Trong đó, 1 TS đi trễ, 1 TS vi phạm quy chế thi do sử dụng điện thoại di động trong phòng thi. Đặc biệt, ở hệ GDTX phát hiện một trường hợp TS thi hộ. Đó là trường hợp của TS Võ Duy Don (học viên Trung tâm GDTX quận Bình Thạnh) thuộc HĐT Trường THPT Phan Đăng Lưu. Hiện hồ sơ của TS này đã được chuyển cho công an điều tra vụ việc.
Tổng kết và nhận định tình hình kì thi tốt nghiệp THPT 2010, ông Lê Hồng Sơn, Trưởng ban tổ chức kì thi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trong ba ngày thi, hệ THPT có 56 TS bỏ thi, trong đó có 3 TS đến muộn và 2 TS vi phạm quy chế thi. Hệ GDTX có 427 TS bỏ thi, 2 TS vi phạm quy chế. “Mọi công tác đảm bảo an toàn, trật tự cho kì thi diễn ra thuận lợi. Trong các ngày thi hoàn toàn không xảy ra sự cố cháy nổ. Khu vực xung quanh các HĐT không xảy ra sự cố bất thường. Các giám thị, cán bộ coi thi đều thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ phòng thi. Ngoài những trường hợp vi phạm, TS dự thi kì thi tốt nghiệp năm nay đều nghiêm túc trong thời gian làm bài”.
Theo quy định, trước khi giám khảo chấm bài thi, tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của bộ và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi nhằm giúp các giám khảo nhất quán trong việc chấm thi. Các bài chấm chung này phải được cho điểm ngay sau khi thống nhất điểm và phải ghi rõ “bài chấm chung” kèm theo chữ ký của tổ trưởng và ít nhất là 2 giám khảo. Nếu trong tổ chấm thi có ý kiến thắc mắc không tự giải quyết được hoặc phát hiện có sự nhầm lẫn trong hướng dẫn chấm thi thì lập biên bản đề nghị chủ tịch hội đồng chấm thi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Giám khảo tuyệt đối không được tự thay đổi hướng dẫn chấm thi và biểu điểm. Hội đồng chấm thi phải bố trí đủ giám khảo chấm thi tự luận (bình quân 1 giám khảo chấm 75-100 bài/ ngày).
Bộ GD-ĐT yêu cầu xử lý thật nghiêm đối với những bài làm vi phạm quy chế hoặc cán bộ không thực hiện đúng quy chế chấm thi. Giám khảo phải khắc phục những biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh, dẫn đến kết quả chấm không phản ánh đúng thực chất.
Trước ngày 18-6, các sở GD-ĐT sẽ nhận kết quả chấm bài thi tự luận của tỉnh mình, sau đó tổ chức ghép điểm với bài thi trắc nghiệm. Chậm nhất đến ngày 18-6 các hội đồng chấm thi xét và đề nghị giám đốc sở GD-ĐT sơ duyệt kết quả tốt nghiệp, công bố kết quả tạm thời của kỳ thi. Trước ngày 24-6 hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho TS.
Nhóm PV
Bình luận (0)