Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chậm trễ chuyển đổi các trường THPT bán công ở TP. Cần Thơ

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Một phòng học của Trường THPT bán công Thạnh An chưa được xây mới vì chờ chuyển đổiTheo Luật giáo dục, trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ có hai loại hình trường lớp là công lập và tư thục. Trong khi các thành phốtrung ương khác đã chuyển đổi hoàn tất từ mấy năm nay thì hiện nay, TP. Cần Thơ còn 6 trường THPT bán công vẫn còn lừng khừng chưa chuyển đổi. Điều này làm cho hàng trăm giáo viên, hàng ngàn học sinh ở các trường THPT bán công này cứ trong tâm trạng thấp thỏm trông đợi một quyết định hợp lý cho tương lai phát triển của ngôi trường mà họ đã và đang gắn bó?

Hiệu quả của trường bán công

m 1992, ngôi trường THPT bán công đầu tiên của TP. Cần Thơ (Trường THPT bán công Phan Ngọc Hiển) được thành lập. Từ đó đến nay, hệ thống trường THPT bán công của thành phố đã phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho hàng ngàn học sinh và tự cân đối một phần chi phí hoạt động.

Trường THPT bán công Phan Ngọc Hiển là trường THPT bán công lớn nhất ở TP Cần Thơ. Được địa phương quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất nên trường có đầy đủ các phòng thực hành thí nghiệm, phòng nghe nhìn… Nhờ sự đầu tư đó cộng với những nỗ lực của đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy và học của Trường THPT bán công Phan Ngọc Hiển thuộc vào tốp các trường khá của thành phố. 16 năm qua, trường đã đào tạo hàng ngàn học sinh, làm lợi cho nhà nước hàng chục tỷ đồng từ nguồn thu học phí. Ông Nguyễn Văn Nhỏ, Hiệu trưởng Trường THPT bán công Phan Ngọc Hiển, cho biết: “Với mức thu học phí theo qui định từ năm 1998, trường có thể cân đối trả một phần tiền lương cho giáo viên, phần còn lại do ngân sách hỗ trợ”. Năm 2007, Trường THPT bán công Phan Ngọc Hiển được ngân sách hỗ trợ trên 1,9 tỷ đồng – nếu so với các trường THPT công lập có cùng qui mô, thì mức  đầu tư này không nhiều.

Hiện nay, các trường THPT bán công đều tự cân đối để trả lương cho giáo viên trong 9 tháng của năm học, với mức lương cơ bản là 290.000 đồng/tháng; ngân sách hỗ trợ chi trả phần lương còn lại và lương các tháng hè. Có thể nói, với mức thu học phí theo qui định: từ 720.000 đồng đến 900.000 đồng/năm học thì các trường THPT bán công có thể tự cân đối khoảng 1/3 kinh phí hoạt động hàng năm. Cơ sở vật chất của Trường THPT bán công Ô Môn trong tình trạng thiếu thốn và xuống cấp. Trường chỉ có 9 phòng học với trên 700 học sinh; các phòng giáo viên, phòng ban giám hiệu, đoàn đội… chật hẹp và đều là phòng dùng chung. Mặc dù vậy, theo ông Dương Văn Nghiêm, Hiệu trưởng Trường THPT bán công Ô Môn, trường vẫn cố gắng tự đảm bảo 1/3 kinh phí hoạt động hàng năm.

Thực tế trên cho thấy, trong một giai đoạn nhất định, loại hình trường THPT bán công đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục khá hiệu quả. Tuy nhiên, theo Luật giáo dục, trong hệ thống giáo dục quốc dân không có loại hình trường bán công. Nếu vẫn để các trường THPT bán công tồn tại thì sẽ vi phạm Luật giáo dục, nhưng chuyển đổi thì chuyển đổi theo hướng nào thì vẫn đang là câu hỏi khó.

Trường ọp ẹp, xuống cấp vì chờ chuyển đổi

m học 2007-2008, Trường THPT bán công Nhơn Ái sáp nhập vào Trường THPT Phan Văn Trị. Trường THPT Phan Văn Trị tiến hành tách cấp II và cấp III. Trường THCS Thị trấn Phong Điền được thành lập với cơ sở vật chất của Trường THPT bán công Nhơn Ái. Trường THPT Phan Văn Trị hiện có trên 2.000 học sinh, trong đó học sinh bán công chuyển sang chiếm khoảng 50%. Tất cả học sinh đều đóng học phí theo mức thu của trường công lập. Theo ông Nguyễn Văn Sang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, khi sáp nhập trường bán công vào trường công, học sinh, phụ huynh rất phấn khởi vì giảm được chi phí học tập. Tuy nhiên, số lượng học sinh đông, phải tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và “gánh nặng” đó lại chuyển vào ngân sách nhà nước.

Rõ ràng nếu chuyển các trường THPT bán công trở về công lập thì đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 05 về xã hội hóa giáo dục. Nhưng nếu chuyển thành trường tư thục thì cũng gặp nhiều khó khăn không dễ tháo gỡ. Ông Nguyễn Văn Nhỏ, Hiệu trưởng Trường THPT bán công Phan Ngọc Hiển băn khoăn: “Nếu chuyển các trường THPT bán công sang loại hình tư thục, dân lập thì việc định giá cơ sở vật chất trường lớp như thế nào, mức học phí ra sao, rồi còn đội ngũ giáo viên của các trường…?”.

Thực tế trong 6 trường bán công, hiện nay, chỉ có Trường THPT bán công Phan Ngọc Hiển là có cơ sở vật chất khang trang, khá đầy đủ trang thiết bị. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường THPT bán công Nguyễn Việt Dũng chỉ tương đối đảm bảo được yêu cầu dạy và học. 3 trường còn lại: THPT bán công Ô Môn, THPT bán công Thốt Nốt và THPT bán công An Bình đều xuống cấp. Ông Dương Văn Nghiêm, Hiệu trưởng Trường THPT bán công Ô Môn, cho biết: “Trường đã xuống cấp nặng nhưng chúng tôi không dám đầu tư sửa chữa vì không biết sẽ chuyển đổi như thế nào. Một số giáo viên cũng đang rất lo lắng về tương lai của họ”. 

Trường xập xệ, cơ sở vất chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên thì cứ trong tâm trạng thấp thỏm chưa biết đi đâu, về đâu… điều này đã làm cho chất lượng giáo dục của một số trường THPT bán công cũng là vấn đề đáng bàn. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Trường THPT bán công Nguyễn Việt Dũng có tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp thấp nhất thành phố: 55,68%. Với chất lượng giáo dục và cơ sở vật chất như thế, nếu chuyển sang tư thục, việc thu hút đầu tư sẽ còn lắm gian nan…

Theo một số cán bộ quản lý giáo dục, việc chuyển đổi các trường THPT bán công nên dựa vào tình hình thực tế ở từng địa phương. Đối với  những vùng ngoại thành, thu nhập và mức sống của người dân còn khó khăn, vì thế nên chuyển các trường THPT bán công thành trường công lập. Đối với  những vùng kinh tế phát triển, chuyển trường bán công sang mô hình trường công lập tự hạch toán. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình trường công lập tự hạch toán cần phải tính toán và qui định rõ các khoản thu sao cho hợp lý, bởi với mức học phí như hiện nay, các trường khó có thể tự hạch toán.

Ông Nguyễn Quí Đôn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ, cho biết: “Ngành giáo dục đã chuẩn bị sẵn sàng để chuyển đổi các trường THPT bán công ngay sau khi có sự chỉ đạo của UBND thành phố. Tuy nhiên, đến nay, TP. Cần Thơ vẫn chưa có quyết định chính thức về hướng chuyển đổi các trường THPT bán công. Trong khi đó, số phận của các trường THPT bán công đang là nỗi băn khoăn của nhiều người”.

Thái Hải

Bình luận (0)