Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chấm văn không thể vội vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Chấm bài tập làm văn của học sinh (HS) là một công việc chẳng hề dễ dàng chút nào. Bởi chấm văn không giống như chấm các môn học khác chỉ cần soi chiếu theo ba-rem biểu điểm.

Một tiết dạy học môn văn tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi

Trong các bài tập làm văn của HS thì có đến “1.001” kiểu viết khác nhau, đòi hỏi người thầy ngoài năng lực chuyên môn ra, cần phải có một cái tâm trong sáng. Bài làm dù hay dù dở cũng đều là kết quả giảng dạy của người thầy và là tác phẩm mà HS đã gửi gắm vào đó tất cả tâm hồn và suy nghĩ của mình. Bởi thế, người giáo viên (GV) không thể tùy tiện trong việc chấm bài.

Thực trạng công việc này như thế nào?

Trong việc dạy học, cái tâm của người thầy không cho phép chấm bài vội vàng, qua loa, phê, sửa chiếu lệ.

Hàng ngày đọc báo, nghe đài, tôi thấy nhiều người không rành về chuyên môn sư phạm, cứ ra rả lên tiếng công kích chê bai các nhà giáo thời nay là trình độ yếu kém hoặc vô tâm, vô tình với bài làm của HS. Họ đưa lên mạng những bài văn được chấm rất vô lí hoặc quá sơ sài, không phê cụ thể và không sửa lỗi cho HS. Thật ra, hiện tượng đó là có thực nhưng không phải là số đông mà vô hình trung dư luận đã đánh đồng tất cả đội ngũ GV là làm việc tắc trách, làm giảm đi giá trị cao quý của người thầy thời nay. 

Ở đây, tôi không hề có ý bênh vực cho những GV chấm bài tắc trách. Bởi việc làm của họ rất đáng phê phán. Trên thực tế cũng có những GV hoặc non yếu về trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm, hoặc quá bận bịu vì phải đảm nhiệm nhiều công việc… mà chấm bài qua loa, chưa sát, chưa đúng biểu điểm. Tôi đã từng chứng kiến có HS cũ mắt nhòa lệ đến đưa cho tôi bài văn của em và nói: “Cô ơi, xin cô đọc lại bài này giùm em. Em rất cần lời nhận xét của cô, xem em viết như vậy đã được chưa cô và em có khả năng viết văn không ạ?”. Tôi nhìn lại bài văn và thấy thương học trò vô hạn vì em ấy viết văn khá tốt, nội dung đầy đủ, cách trình bày có phần sáng tạo, hành văn khá nhuần nhuyễn mà sao bài chỉ được có 5,5 điểm. Có lẽ, người chấm đã quá thiên về việc “bới lông tìm vết”, cố tình gạch đỏ vài từ trùng lặp, đôi chỗ diễn đạt theo họ là chưa hay lắm. Thực ra, những lỗi đó rất nhẹ và vẫn nằm trong giới hạn cho phép của thang điểm giỏi… Lại có lần, một HS giỏi (học tôi những năm trước) tới than thở với tôi là: “Cô ơi, bài viết vừa rồi em rất tâm đắc và ưng ý, em cứ tưởng mình sẽ được điểm cao nhưng ai ngờ cô giáo chỉ cho 7,5 điểm và bảo: “Em chỉ là HS thôi thì làm sao có thể viết được bài văn hay như thế này? Chắc lại văn của cô giáo… chứ gì?”. Cô ơi, sao cô ấy lại không tin em chứ?”. Tôi động viên, an ủi em: “Từ nay, em hãy chuyên tâm rèn giũa hành văn, tìm cách viết riêng cho mình, hãy tìm đọc nhiều tác phẩm văn thơ để thu nạp thêm kiến thức và hãy cố gắng làm thật tốt những bài về sau. Cô tin em sẽ có ngày tỏa sáng…”. Và thật vui là sau này, em HS ấy đã viết văn rất tốt với lối viết khá chín và đã từng đoạt giải trong một cuộc thi sáng tác văn học ở địa phương.

Cái tâm người thầy không cho phép qua loa

Thật ra, tôi nghĩ, số thầy cô chấm văn chưa tốt đó cũng chỉ là số rất ít, chứ hầu hết GV ngữ văn khi chấm bài kiểm tra hay bài thi cho HS đều rất nghiêm túc, theo đúng quy trình, quy định của Bộ GD-ĐT.

Công tâm và trân trọng sự cố gắng của HS

Tôi rất tâm đắc với lời nhắc nhở của vị cán bộ Sở GD-ĐT Đà Nẵng mỗi khi tôi đi chấm thi tốt nghiệp THPT, thi chuyển cấp hoặc thi HS giỏi của TP. Tôi xin dẫn ra đây để thay cho lời kết: “Xin các thầy cô khi chấm văn đừng có gạch đỏ cả bài làm của HS để rồi khi đánh giá cho điểm bài thi lại chỉ chăm chăm nhìn vào những chỗ gạch đỏ ấy, mà chúng ta hãy căn cứ vào biểu điểm, vào trình độ, khả năng trình bày và nội dung bài làm của các em. Chúng ta nên nhớ đây là bài tập làm văn của các HS còn nhỏ tuổi mới đang tập – làm – văn, chứ không phải là sáng tác của các nhà văn hay bài viết của những GV văn lành nghề như chúng ta. Ngay cả bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo lão luyện cũng cần phải qua khâu thẩm định, chỉnh sửa của tòa soạn hay ban biên tập thì mới có thể đăng được. Vậy nên các thầy cô khi chấm bài phải thật công tâm và trân trọng những cố gắng của các em HS, dù là rất nhỏ”.

Hãy thử hình dung mà xem, ở một lớp công lập, số HS thường là trên 40 em, một GV dạy 3 lớp có khi đến 140 bài làm văn, các em thường làm tới 2-3 tờ đôi (7-8 trang giấy) là thường. Vậy người GV phải vừa đọc, vừa suy xét, đối chiếu, vừa gạch lỗi, sửa lỗi hết hàng ngàn trang viết dày đặc chữ ấy thì phải tốn mất bao nhiêu thời gian? Đó là chưa kể phải hệ thống lại các lỗi phổ biến thường gặp của lớp để còn soạn tiết trả bài. Nếu gặp bài làm của HS khá giỏi thì còn đỡ mất công sửa lỗi chứ bài của HS yếu kém thì lỗi nhan nhản. Ở nhiều bài làm dù người viết thể hiện được đầy đủ nội dung nhưng chưa biết cách triển khai ý hoặc kỹ năng diễn đạt còn non kém, mắc quá nhiều lỗi chính tả… cũng làm cho GV suy nghĩ rất nhiều khi nhận xét, cho điểm. Biết cho điểm làm sao đây để vừa đảm bảo tính chính xác, công bằng, vừa khuyến khích động viên các em yêu thích học văn hơn. Khi buộc phải hạ bút cho HS một điểm kém thì lòng người GV cũng đau lắm chứ, có cảm giác như mình vừa thất bại trong công việc dạy học. Họ cũng hiểu rằng, đồng nghĩa với điểm kém đó là gieo thêm một nỗi buồn cho các em. Việc học văn vốn đã khó (bởi trên thực tế, chỉ có 5% nhân loại có gen văn thôi), nếu chúng ta làm nguội tắt đi lòng yêu văn học vốn hiếm hoi, ít ỏi ở trẻ, thiết nghĩ đó chẳng phải là một việc làm hay ho gì.

Trong việc dạy học, cái tâm của người thầy không cho phép chấm bài vội vàng, qua loa, phê, sửa chiếu lệ. Nhưng đôi khi, thời hạn yêu cầu trả bài rất gấp, công việc dạy học, kiêm nhiệm ngập đầu ngập cổ, nhiều khi GV không đủ thời gian để phê chấm kỹ càng, tỉ mỉ những lỗi cụ thể trong mỗi bài làm của HS. Với lại, ở những bài làm yếu kém thường gặp rất nhiều lỗi, nếu chúng ta gạch chân và phê sửa lỗi tất cả thì cũng đỏ cả trang giấy. Điều đó chưa chắc đã là tốt nếu nhìn từ góc độ tâm lí người học, bởi các em sẽ cảm thấy rất xấu hổ, tự ti, mặc cảm ghê gớm, không muốn nhìn lại bài điểm kém. Tâm lí HS cho thấy, thường bao giờ đến tiết trả bài, các em được điểm cao thì vui mừng hể hả, muốn khoe ngay kết quả của mình, còn các em điểm thấp hơn thì nét mặt rất buồn, chỉ vừa phát bài là vội vàng gấp bài lại, giấu nhẹm đi, không muốn bị các bạn hay người thân biết.

Phạm Thị Phong 
(Hệ thống Giáo dục chất lượng cao Sky-Line, Đà Nẵng)

Bình luận (0)