Nhà trường cần tổ chức các buổi sinh hoạt để giáo dục tinh thần tập thể cho HS. Ảnh: T.Vy
|
Các nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường cũng như những giải pháp đã được các chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo nêu ra tại buổi hội thảo “Bạo lực học đường: Nhận diện và giải pháp” do Sở GD-ĐT phối hợp cùng Hội Cựu giáo chức, Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục tỉnh Tiền Giang tổ chức vừa qua.
Tại hội thảo, đa số đại biểu cho rằng hiện nay hành vi đánh nhau của học sinh (HS) ngày càng gia tăng về mức độ, và tính nghiêm trọng ngày càng cao. Tình trạng HS đánh nhau không chỉ xảy ra ở các khu vực đông dân cư, đô thị hóa mà còn xảy ra ở nông thôn. Đã từng có những vụ án mạng ở chốn học đường xảy ra tại Tiền Giang với lý do không đâu vào đâu. Cụ thể, ngày 9-4-2012, H.T.T (HS lớp 8 Trường THCS Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè) dùng dao đâm chết H.N.H (HS lớp 7 cùng trường) ngay trong giờ ra chơi chỉ vì tranh chấp… chiếc điện thoại. Khi được hỏi, đa số HS cho rằng bạo lực học đường là sai trái nhưng không dám lên tiếng vì sợ liên lụy, sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo, vì thế mà không dám báo với thầy cô hay chính quyền địa phương. Một bộ phận HS khác thì thờ ơ, dửng dưng, im lặng, hoặc thậm chí cổ vũ, đồng tình với bạo lực…
Theo thầy Đặng Xuân Sơn, giảng viên Khoa Sư phạm, Trường ĐH Tiền Giang, nguyên nhân bạo lực học đường chủ yếu xuất phát từ phía gia đình. “Không ít bậc làm cha mẹ “khoán trắng” cho nhà trường, mải mê làm ăn không quan tâm đến con cái, không biết con mình học tập ra sao, chơi bời thế nào. Có những phụ huynh không biết đến tên giáo viên chủ nhiệm của con mình, không biết thời khóa biểu cũng như lịch học thêm của con, con giao lưu kết bạn với những ai…”, thầy Sơn cho biết. Trong khi đó, thầy Trần Văn Nhum, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hậu Mỹ Phú (huyện Cái Bè), khẳng định: “Nguyên nhân khách quan chung có tác động mạnh mẽ đến HS, chi phối nhận thức, hành vi của các em đó là môi trường xã hội đang “ô nhiễm” nghiêm trọng: Phim ảnh bạo lực, trò chơi điện tử và game online đầy bạo lực, văn hóa xấu… đang lan tràn khắp các nẻo đường, ngõ ngách, thật khó lòng mà kiểm soát được. Môi trường bị “ô nhiễm” thì chắc chắn các em cũng bị ảnh hưởng theo, bởi lứa tuổi các em là lứa tuổi bắt đầu sự tự khám phá, ưa bắt chước, muốn tự khẳng định “cái tôi” của mình và hành động bộc phát, không định hướng”.
Từ việc xác định nguyên nhân, nhiều đại biểu cho rằng nên đưa ra các giải pháp cụ thể để phòng, chống bạo lực học đường, đảm bảo an ninh trật tự trong trường học; và để ngăn chặn bạo lực học đường cần có sự chung tay thực hiện của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo số liệu chưa đầy đủ từ Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trong 2 năm qua các trường trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 425 vụ đánh nhau, nhà trường khiển trách 112 em, cảnh cáo 143 em, đình chỉ học có thời hạn 72 em.
|
ThS. Bùi Văn Lượm, Chủ tịch Hội Khoa học – Tâm lý giáo dục tỉnh Vĩnh Long, đề xuất: “Ở nhà trường, trong việc thực hiện những chương trình như quy định, chúng ta hết sức hướng đến việc giáo dục kỹ năng sống, lối sống, giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật. Tất nhiên, thực hiện việc giáo dục này phải có chất lượng, hiệu quả, phải đồng bộ, liên môn, gắn lý thuyết với thực hành một cách nhuần nhuyễn. Trong giáo dục phải thể hiện tình thương, phải nêu gương những điển hình thực tế cùng với việc động viên khen thưởng kịp thời”. Đồng tình với ý kiến này, cô Trương Thị Châu Minh, giáo viên Trường THPT tư thục Ấp Bắc (TP.Mỹ Tho) bổ sung thêm: “Ngoài ra chúng ta cần tổ chức giao lưu rộng rãi giữa các lớp, các trường, các tổ chức, đoàn thể. Trong lớp, tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, đi tham quan, dã ngoại để giáo dục tinh thần tập thể cho HS”.
Để ngăn chặn bạo lực học đường cần có sự phối hợp từ cái kiềng 3 chân: Gia đình, nhà trường và xã hội mà theo thầy Đặng Xuân Sơn “một chân lung lay là đã có vấn đề”. Trước hết, mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng cho các em, chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuyết phục được HS. Sự tận tụy, yêu thương chân thành của người thầy sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của các em với mọi người chung quanh. Nhà trường cần phải nắm được danh sách các HS cá biệt có nguy cơ gây bạo lực để thường xuyên chia sẻ, giáo dục các em. Song song đó các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con và trực tiếp bảo vệ con mình bằng cách trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản. Cha mẹ phải là người thầy đầu tiên của trẻ.
Tuy nhiên, thầy Lê Ngọc Bảo, Trường Văn hóa II (Bộ Công an) lại hướng về chủ thể: “Về phía HS cũng cần có ý thức chủ động, tự điều chỉnh lời ăn tiếng nói; biết nói lời cám ơn và xin lỗi nhiều hơn vì như thế dù xảy ra mâu thuẫn cũng có thể giải quyết êm thấm, không gây thêm xích mích”.
NGƯT.TS Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, cho rằng: Việc đấu tranh chống bạo lực học đường còn rất nhiều khó khăn và không dễ gì khắc phục ngay nhưng chúng ta phải làm bằng được để xây dựng môi trường giáo dục thực sự là môi trường thân thiện, HS tích cực và là nơi để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng những lớp người thực sự là người chủ tương lai của đất nước.
Lê Quang Huy
(Giáo viên Trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục trong nhà trường hiện thiên về dạy chữ hơn dạy làm người, nội dung giáo dục đạo đức – công dân còn bất cập, nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn xã hội, địa phương… Một số giáo viên vẫn chưa gương mẫu, có những hành vi xúc phạm, xâm hại HS. Việc các em trở nên quậy phá là sự phản ứng tiêu cực trước lối ứng xử không khéo léo, thiếu công bằng của người lớn. |
Bình luận (0)